Đặc điểm của đạo đức là gì

1. Khái niệm đạo đức

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, xuất hiện tương đối sớm và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Đạo đức được hiểu “Là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội”.

>> Xem thêm:

  • Mối quan hệ giữa pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa
  • Phân tích mối quan hệ giữa Ý thức pháp luật và Pháp luật
  • Phân tích mối quan hệ giữa pháp luật với các hiện tượng xã hội khác
  • Phân tích mối quan hệ giữa pháp luật và chính trị
  • Phân tích mối quan hệ giữa pháp luật và nhà nước
  • Phân tích mối quan hệ giữa pháp luật và kinh tế

Ngày nay, sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các quy tắc, chuẩn mực của đạo đức dần biến đổi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là các giá trị đạo đức cũ hoàn toàn mất đi, thay vào đó là các giá trị đạo đức mới. Các giá trị đạo đức ở Việt Nam hiện nay là sự kết hợp sâu sắc truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc với xu hướng tiến bộ của thời đại, của nhân loại. Đó là tinh thần cần cù, sáng tạo, yêu lao động; tình yêu quê hương, đất nước gắn liền với chủ nghĩa xã hội; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, có lối sống văn minh, lành mạnh; có tinh thần nhân đạo và tinh thần quốc tế cao cả.

Đạo đức là một hiện tượng xã hội có cấu trúc phức tạp, bao gồm: ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức.

Ý thức đạo đức: “Là ý thức về hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực hành vi phù hợp với những quan hệ đạo đức đã và đang tồn tại. Mặt khác, nó còn bao hàm cả những cảm xúc, những tình cảm đạo đức của con người”. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, ý thức đạo đức là sự thể hiện thái độ nhận thức của con người trước hành vi của mình trong sự đối chiếu với hệ thống chuẩn mực hành vi và những quy tắc đạo đức xã hội đặt ra; qua đó giúp con người tự giác điều chỉnh hành vi và hoàn thành một cách tự giác, tự nguyện những nghĩa vụ đạo đức. Về mặt cấu trúc, ý thức đạo đức gồm tình cảm đạo đức, tri thức đạo đức, lý tưởng đạo đức, ý chí đạo đức. Trong đó, tình cảm thể hiện cảm xúc của con người trước hiện tượng đạo đức, tri thức đạo đức giúp con người lựa chọn cái gì nên làm và cái gì không nên làm; lý tưởng đạo đức quyết định phương hướng, mục đích hoạt động của con người và ý thức đạo đức là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua khó khăn, trở ngại để thực hiện hành vi đạo đức.

Hành vi đạo đức: “Là một hành động tự giác được thúc đẩy bởi một động cơ có ý nghĩa về mặt đạo đức”. Cụ thể hơn, hành vi đạo đức là những cử chỉ, những việc làm của con người trong các mối quan hệ xã hội phù hợp với ý thức đạo đức, với các chuẩn mực và các giá trị đạo đức.

Để phân biệt một hành vi đạo đức hay phi đạo đức, không chỉ căn cứ vào kết quả của hành vi mà còn phải căn cứ vào động cơ của hành vi. Hành vi đạo đức phải có nguyên nhân vì lợi ích của người khác, của xã hội và mục đích cũng là mang lại lợi ích cho người khác, cho xã hội.

Quan hệ đạo đức: Là hệ thống những quan hệ xã hội, tác động qua lại giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội xét về mặt đạo đức. Quan hệ đạo đức vận động, biến đổi theo quá trình phát triển của xã hội, trong phạm vi một hình thái kinh tế – xã hội hay hệ giá trị đạo đức của một giai cấp cũng có sự vận động, phát triển. Quan hệ đạo đức có các đặc tính là tính tự giác và tính tự nguyện. Tính tự giác thể hiện ở sự nhận thức trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân mỗi người trong những tình huống cụ thể khi tham gia vào quan hệ đạo đức. Tính tự nguyện thể hiện ở nhu cầu và ham muốn của bản thân mỗi người trong quan tâm, tương trợ, giúp đỡ người khác…

Ý thức đạo đức, quan hệ đạo đức và hành vi đạo đức là những yếu tố cấu tạo nên cấu trúc đạo đức, không tồn tại độc lập, mà có quan hệ biện chứng với nhau.

2. Chức năng của đạo đức

– Chức năng giáo dục: Thông qua giáo dục đạo đức góp phần hình thành những quan điểm cơ bản nhất, những nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực đạo đức trong từng con người cụ thể; giúp con người xác lập khả năng lựa chọn, đánh giá các hiện tượng xã hội. Trên cơ sở ấy, con người tự xem xét, đánh giá được tư cách, ý thức và hành vi của bản thân. Nói cách khác, chức năng giáo dục của đạo đức chính là làm giàu thêm “tính người” cho mỗi con người, được thực hiện thông qua quá trình giáo dục của xã hội và tự giác của mỗi cá nhân.

– Chức năng điều chỉnh hành vi: Đây là chức năng quan trọng nhất, nhưng đó không phải là đặc quyền của đạo đức, bởi trong xã hội, con người tạo ra rất nhiều phương thức điều chỉnh hành vi của mình như: pháp luật, hương ước… Mục đích điều chỉnh hành vi của đạo đức nhằm bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích cộng đồng và cá nhân.

Chức năng điều chỉnh hành vi của đạo đức được thực hiện chủ yếu bằng hai phương thức: Một là, sử dụng sức mạnh của dư luận để động viên, khuyến khích những chủ thể có đạo đức và hành vi tốt đẹp, đồng thời, phê phán, lên án nghiêm khắc những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến người khác, đến cộng đồng. Hai là, bản thân chủ thể đạo đức phải tự nguyện, tự giác điều chỉnh hành vi của mình trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức của xã hội.

– Chức năng nhận thức: Chức năng nhận thức của đạo đức bao gồm nhận thức và tự nhận thức, bởi nhận thức của đạo đức là quá trình vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Nhận thức hướng ngoại lấy chuẩn mực, giá trị, đời sống đạo đức xã hội làm đối tượng, là quá trình cá nhân đánh giá, tiếp thu hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của xã hội. Tự nhận thức là quá trình tự đánh giá, tự thẩm định, tự đối chiếu những nhận thức, hành vi đạo đức của mình với chuẩn mực giá trị chung của cộng đồng. Bằng hai quá trình nhận thức ấy con người đi đến sự nhận biết, phân biệt những giá trị: đúng – sai, tốt – xấu, thiện – ác… hướng tới giá trị bao quát chân, thiện, mỹ. Từ nhận thức này, chủ thể hình thành và phát triển thành các quan điểm và nguyên tắc sống của mình.

Ba chức năng của đạo đức có quan hệ chặt chẽ với nhau, sự vận hành của chức năng này là tiền đề, điều kiện của sự vận hành chức năng khác. Từ đó, con người mới có khả năng lựa chọn, đánh giá đúng đắn các hiện tượng đạo đức xã hội cũng như tự đánh giá những suy nghĩ, những hành vi của bản thân để điều chỉnh hành vi theo đúng chuẩn mực đạo đức xã hội.

3. Vai trò của đạo đức đối với sự phát triển của cá nhân và xã hội

Lịch sử xã hội loài người đã khẳng định tầm quan trọng của đạo đức trong quá trình tổ chức thiết lập, duy trì trật tự, ổn định và phát triển xã hội. Tùy theo trình độ phát triển kinh tế – xã hội mà sự tác động của đạo đức đến cá nhân và xã hội có khác nhau. Vai trò của đạo đức được thể hiện như sau:

– Đạo đức là một trong những phương thức cơ bản để điều chỉnh hành vi con người, một sự điều chỉnh hoàn toàn tự nguyện, tự giác, không vụ lợi trong một phạm vi rộng lớn.

– Đạo đức góp phần nhân đạo hóa con người và xã hội loài người, giúp con người sống thiện, sống có ích.

– Đạo đức thể hiện bản sắc dân tộc trong quan hệ quốc tế, là cơ sở để mở rộng giao lưu giữa các giá trị văn hóa của dân tộc, quốc gia với các dân tộc, quốc gia khác.

– Đạo đức góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

Nguồn: Tổng hợp

Chủ Đề