Cười đểu là gì

Nhìn đểu, coi chừng chết!

Đểu không phải là từ mới. Nhưng nhìn đểu có lẽ là cụm từ mới, được dùng nhiều trong những năm gần đây, cả ở thành thị và nông thôn, cả ở miền Nam lẫn miền Bắc. Nhìn đểu, cười đểu... giống như một thái độ thách thức, kiểu kênh xì bo với đối tượng được nhìn, đã gây nên những hiểu lầm hết sức đáng tiếc

Đọc tin sau đây, bạn tưởng như chuyện phi lý nhưng nó hoàn toàn có thật: Ngày 8-4-2008, tại thôn Quả Quyết, xã Đông Động, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, người ta phát hiện dưới giếng nước của gia đình ông Phạm Văn Du có một xác chết trong tình trạng hai tay bị trói quặp. Đó là cháu Phạm Hải Hà, con gái của anh Phạm Huy Dương ở cùng thôn, bị mất tích từ trưa 7-4. Qua điều tra, cơ quan công an đã xác định kẻ thủ ác là Phạm Ngọc Ban, 16 tuổi, học lớp 10, ở cùng xã. Ban đã khai nhận hành vi giết người hết sức phi lý: Sáng 7-4, Ban cắt cỏ ở khu vực gần nhà cháu Hà, thì thấy cháu bé này nhìn Ban cười. Ban cho rằng cháu Hà cười đểu mình, bèn đuổi cháu Hà vào một khu nhà bỏ hoang, gí dao dọa Hà. Cháu Hà sợ quá khóc to, bị Ban tát mạnh vào mặt, ngất xỉu. Ban bỏ ra ngoài. Lát sau, Ban quay lại, thấy Hà chưa tỉnh, nghĩ Hà đã chết, lo sợ bị phát hiện, Ban tìm cách trói Hà lại và vứt xuống giếng gần đó. Thủ ác xong, Ban về nhà như không có chuyện gì xảy ra, ăn cơm, chiều đi học bình thường... Điều gì khiến một cậu học sinh mới 16 tuổi lại có hành vi giết người lạnh lùng như vậy? Có thể thấy diễn biến tâm lý của Ban: Đang cắt cỏ cho bò ăn, nhìn thấy cháu Hà cười. Có thể cháu Hà cười làm quen theo kiểu trẻ con, có thể cười thay cho một lời chào... Nhưng với Ban, có lẽ do lúc đó đang lao động mệt nên bực bội hoặc có thể do bị ép phải đi cắt cỏ nên tâm lý bất an, nghĩ rằng Hà cười đểu mình, liền nảy sinh mâu thuẫn! Còn với Hà, một cô bé mới 10 tuổi, chắc chắn chưa biết thế nào là cười đểu và phải chết một cách oan uổng vì bị nghi là cười đểu người khác  khái niệm mà Hà cho đến lúc chết vẫn chưa thể biết! Giờ thì Ban đã bị bắt tạm giam và chắc chắn Ban phạm tội giết người, phải trả giá, thậm chí mất cuộc đời phía trước. Và những cái chết kỳ lạ khácNgày 1-4, sáu đối tượng, trong đó đa số là học sinh cấp 3 ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định mâu thuẫn với một nhóm khác bởi chỉ một cái nhìn trịch thượng sau đó là xảy ra ẩu đả. Cả nhóm 6 em học sinh ấy đã dùng dao đâm anh Cao Văn Lộc đến chết. Đây là một vụ án có nguyên nhân từ nhìn đểu. Còn cái chết sau đây cũng lạ lùng: Ngày 18-12-2007, anh Kiều Anh Yên và chị Trương Thị Thu Hằng (đều SN l987), là công nhân một công trình xây dựng ở Hàng Chuối, Hà Nội, đi bộ trên phố Lò Đúc. Đến trước khách sạn Sunway, cả hai đều nhìn thấy hai thanh niên đi bộ ngược chiều. Lúc này, một trong hai thanh niên ấy nói: Anh ơi, nó nhìn đểu em. Lập tức, như một mệnh lệnh, tên thanh niên kia rút dao đâm anh Yên 4 nhát, rồi nhanh chân bỏ trốn. Anh Yên gục xuống và chết tại Bệnh viện 108! Những cái chết lạ lùng như vậy trên đường phố không thể thống kê hết. Cho đến nay đã có nhiều phiên tòa xét xử hành vi giết người chỉ vì nhìn đểu, cười đểu. Nhiều nạn nhân đã chết oan uổng, cho đến lúc chết vẫn không thể hiểu nổi vì sao mình phải chết! Nhiều người bị lãnh án cao nhất: tử hình, hay chung thân hoặc nhiều năm tù cũng vì phút bồng bột thiếu suy nghĩ, dẫn đến hành vi tàn ác, không kiềm chế nổi. Khi đã đứng trước vành móng ngựa hoặc phải dựa cột, ân hận thì đã muộn. Vì sao vậy?Các nhà tâm lý đã giải thích rằng hiện tượng nhìn đểu thường xuất phát từ tâm lý bất an, bất bình thường của đối tượng. Đối tượng bị ám ảnh cái gì đó hoặc cho rằng mình bị xúc phạm nên phản ứng kịch liệt, gay gắt. Khi nghĩ rằng mình bị xúc phạm, đối tượng luôn luôn trong tình trạng nổi nóng tột cùng, hành động hoàn toàn theo bản năng. Một vụ án sau đây chứng minh điều đó: Anh Nguyễn Văn X. dừng xe đúng vạch khi có đèn đỏ. Một chiếc xe gắn máy khác vượt lên, đậu trước mặt anh, cán vạch phân cách. Anh X. bóp một tiếng còi, như phản ứng, như cảnh báo người kia đã vi phạm luật giao thông. Ngay lập tức, đối tượng dựng xe, nhảy xổ vào đánh anh X. tới tấp, vì cho rằng anh X. đã bấm còi đểu nhắm vào mình!  Trong cuộc sống hiện đại có nhiều cái đểu bạn không thể hình dung được, ngoài nhìn đểu, cười đểu, còn có nhổ nước bọt đểu, nháy mắt đểu, huýt gió đểu, hất cằm đểu, huých tay đểu v.v... Có nghĩa là rất nhiều cách đểu, nếu người bị chơi đểu suy diễn. Càng suy diễn càng tức giận, càng nổi nóng và những hành vi thiếu suy nghĩ bộc phát. Trong cơ quan, đơn vị tập thể thời hiện đại cũng có những cách nhìn đểu cần cảnh báo. Có một vị giám đốc không thể chịu đựng được cái nhìn đểu của cán bộ dưới quyền mình, khi mà anh cán bộ cấp dưới hễ gặp thủ trưởng là nhìn chằm chằm mà không nói một lời nào. Đó là cách nhìn đểu im lặng, đầy tra tấn đối với những người vốn nhạy cảm. Có những cách im lặng đểu hằng ngày cũng rất đáng sợ giữa các đồng nghiệp với nhau, dễ sinh mâu thuẫn, thường bộc phát trong những cuộc họp. Cũng có những hành vi đểu rất gây hấn, kiểu như gặp nhau là nhổ một bãi nước bọt vu vơ, nói trổng xỏ xiên, khiêu khích ngầm... dễ sinh mâu thuẫn bất ngờ với những hậu quả hết sức khó lường. Hãy cẩn trọngTrong cuộc sống khó tránh những mâu thuẫn, nhưng hành xử với những mâu thuẫn ấy như thế nào là một nghệ thuật ứng xử. Hơn hết, mỗi cá nhân phải biết kiềm chế, tránh những cái nhìn gây hiểu lầm cho đối tượng, tránh khiêu khích, xúc phạm đến nhân phẩm người khác, sống trong sáng từ suy nghĩ đến các hành vi khác. Và trên hết là tinh thần thượng tôn pháp luật. Những mâu thuẫn cá nhân không thể giải quyết bằng bạo lực, bởi không ai có quyền xâm phạm thân thể người khác (trừ trường hợp tự vệ chính đáng bất khả kháng). Có lẽ chưa có một nghiên cứu nào về hậu quả của việc nhìn đểu, nhưng những phiên tòa, những cái chết lãng nhách đã làm cho xã hội nhức nhối, tự nó lên tiếng báo động về một hiện tượng xã hội đáng suy nghĩ.

Theo TS tâm lý Vũ Gia Hiền, hiện tượng nhìn đểu và những hậu quả đáng tiếc xảy ra sau đó thực chất là do hành vi ứng xử lỗ mãng, thiếu văn hóa của việc áp đặt cảm xúc chủ quan, tiêu cực của mình lên hành vi người khác. Hành động lệch chuẩn lại tự ái, khiến cá nhân đó tỏ thái độ nghênh ngang, không muốn đặt mình trong sự kiểm soát của các mối quan hệ xã hội khác. Khi người khác vô tình nhìn thấy hành vi họ làm với ánh nhìn bình thường cũng khiến kẻ ấy chột dạ và phản ứng một cách manh động. Thông thường, đó là những con người có tâm lý bất ổn, suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Bích Hà