Cuộc đời làm báo của nguyễn văn vĩnh pdf năm 2024

Cái tên Nguyễn Văn Vĩnh thực sự cảm thấy rất xa lạ đối với tôi, và có lẽ nhiều người cũng như tôi, chưa biết Nguyễn Văn Vĩnh là ai? Bản thân tôi may mắn được làm việc trong môi trường tiếp xúc và gắn bó với nhiều sách báo nên có cơ duyên tiếp cận với cuốn sách mang tựa đề “Nguyễn Văn Vĩnh”. Nếu chỉ đọc mình cái tựa đề thì tôi cảm thấy không có gì ấn tượng nhưng với dòng chữ “từ cậu bé chăn bò thuê đến người giữ những kỷ lục về tự học” được chú thích bên dưới là đã đủ ấn tượng để tôi nghiền ngẫm rồi. Đọc hết cuốn sách, tôi bắt đầu tìm thêm mấy tên sách về cụ. Thật may tôi tìm thêm được 2 tác phẩm “Nguyễn Văn Vĩnh là ai?” và “Học giả Nguyễn Văn Vĩnh – chuyện nghiệp chuyện đời”, 3 cuốn sách đều có ở Thư viện tỉnh Đồng Nai [nơi tôi đang làm việc]. Dựa trên 3 tác phẩm, tôi xin viết đôi điều về cuộc đời, sự nghiệp cụ Nguyễn Văn Vĩnh nhân kỷ niệm 85 năm ngày cụ mất.

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 30/4/1882, tại làng Phượng Dực, tổng Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông [nay là huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội]. Khi còn nhỏ, gia đình cho ông đi chăn bò thuê ngoài bãi Long Biên [nay là cầu Long Biên]. Ngay từ thuở ấu thơ, ông đã là một đứa trẻ dạn dĩ, thông minh khác thường. Năm lên 8 tuổi, ông làm việc kéo quạt mát cho lớp học của người Pháp dạy các học viên đã đỗ tú tài, cử nhân học để làm thông ngôn. Hàng ngày chăm chỉ kéo hai hàng quạt nối liền nhau, ngồi cuối lớp, vừa quạt mát cho cả lớp học, vừa chăm chú nghe lỏm mỗi khi thầy giáo giảng bài. Có khi học trò nghe thầy giảng mà không hiểu, còn Nguyễn Văn Vĩnh thì rất hiểu. Từ đó, hiệu trưởng bắt đầu chú ý đến ông và khi lớp học mãn khóa [1893], hiệu trưởng quyết định cho Nguyễn Văn Vĩnh thi thử. Không ngờ ông thi đỗ, xếp thứ 12 trong số 40 học sinh. Vì quá nhỏ, nhà trường cho phép Nguyễn Văn Vĩnh được học lại từ đầu [khóa học bốn năm]. Kết thúc khóa học, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu [thủ khoa].

Năm 15 tuổi, ông được đưa đi làm thông ngôn tại Tòa sứ Lao Cai [1897]. Người con trai họ Nguyễn, sinh ra trên đất Hà thành, phơi nắng gió trên cát bồi khi chăn bò trên bãi đê Yên Phụ, đặt bước chân xa nhà đầu tiên. Năm 17 tuổi, ông được điều chuyển về Tòa sứ Hải Phòng. Tại đây, ông thường xuyên phải ra hiện trường, có dịp làm quen với nhiều thủy thủ nước ngoài như Pháp, Anh, Hoa và ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, nhiều tài liệu sách vở, để phục vụ cho việc học tập của mình. Chẳng bao lâu ông dịch được cả tiếng Hoa, tiếng Anh. Bằng phương pháp tự học, kiến thức của ông đã phong phú, sâu rộng. Ông bắt đầu tham gia viết báo, với tư cách cộng tác viên cho tờ báo tiếng Pháp “Courrir de Hai Phong – Báo Hải Phòng” được tòa soạn chấp nhận, đăng tải. Ở Hải Phòng khoảng 3 năm, Nguyễn Văn Vĩnh lại chuyển về Tòa sứ Bắc Giang.

Năm 24 tuổi. ông được điều chuyển về Tòa Đốc lý Hà Nội. Cùng năm 1906, ông được cử đi Hội chợ thuộc địa tại thành phố cảng Marseille, Pháp. Ở Pháp 5 tháng, ông tận mắt thấy nền văn minh của một nước tân tiến châu Âu. Ông được tiếp cận với kỹ nghệ in ấn và báo chí. Đây cũng là bước ngoặt trong cả một đời dấn thân cho sự nghiệp văn hóa của ông sau này. Trở lại Việt Nam, ông xin thôi làm công chức của Tòa Đốc lý Hà Nội. Từ đó, một Nguyễn Văn Vĩnh có chí hiên ngang, đáng mặt là trang hào kiệt, xuất hiện trong văn giới cũng như trên đường chính trị.

Đầu tiên, Nguyễn Văn Vĩnh cùng ông Dufour mở nhà in thứ nhất ở Hà Nội. Lần lượt chủ trương hết báo này đến báo khác. Và đem những sách hay của Pháp. của Trung Hoa dịch ra Việt văn. Gặp thời cơ thuận tiện, ông cũng dấn thân vào đường chính trị, hoạt động chính trị hăng hái không kém phần phục vụ văn hóa. Nguyễn Văn Vĩnh làm báo, làm chính trị, ông chủ trương thư viện “Âu Tây tư tưởng” chuyên dịch các sách Âu Tây; ở phương diện nào cũng được đồng bào chú ý.

Từ trước tới nay, các học giả, các bậc văn nhân trong nước ấn tượng với Nguyễn Văn Vĩnh bởi câu nói của ông: “Nước Nam ta mai sau hay dở ở chữ quốc ngữ”. Lấy câu nói đó làm phương châm, lấy báo giới làm vũ khí tuyên truyền cổ động, ông hăng hái đi tiên phong và ráo riết trong mặt trận văn hóa, mở được còn đường cho “quốc ngữ” phát huy sắc thái. Sự cố gắng và sức làm việc phi thường của ông đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và văn hóa phương Tây trong dân Việt, và đưa xã hội Việt Nam đi đến chỗ dần chấp nhận chữ quốc ngữ. Sau gần ba thế kỷ từ khi cuốn Từ điển Việt – La – Bồ của Alexandre de Rhodes ra đời, người Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang chữ quốc ngữ. Đây thực sự là một một cuộc chuyển hóa vô cùng lớn lao, trong đó Nguyễn Văn Vĩnh đóng vai trò là người tiên phong. Mặc dù chữ Quốc ngữ và những người truyền bá chữ được đặt dưới sự bảo trợ của Chính quyền thuộc địa, nhưng người Pháp không thể ngờ rằng, khi loại chữ này đã trở thành chữ viết của dân chúng để truyền đạt tư tưởng và nguyện vọng, thì chính quyền thuộc địa lúc này đã không thể kiểm soát được nữa và nó đã trở thành nhân tố quan trọng trong công cuộc giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam sau này cũng nhận thấy việc truyền bá chữ Quốc ngữ là một biện pháp để giáo dục quần chúng và đưa quần chúng đi theo con đường cách mạng của Đảng và Mặt trận Việt Minh tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Từ đó, Nguyễn Văn Vĩnh chuyển hẳn sang nghề làm báo và xuất bản. Viết bài đăng báo, dưới những biệt hiệu: “N.V.V”, “Tân Nam Tử, Mũi Tẹt Tử, Tổng Già, Lang Già, Đào Thị Loan, Nguyễn Văn Vĩnh” ứng dụng đủ các thể văn, và lối nào cũng được đông đảo độc giả hoan nghênh. Bên cạnh đó, ông cũng là hội viên rất tích cực của hai hội lớn là Trí Tri và Khai Trí Tiến Đức. Song song với công việc mà cả cuộc đời ông say mê kể trên, ông còn tham gia hoạt động chính trị, làm Uỷ viên Hội đồng Thành phố Hà Nội khi mới 25 tuổi [1907], trong nhiều khoá liên tiếp làm hội viên Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ [tức Viện Dân biểu] từ năm 1913, và thành viên của Đại Hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương [cơ quan tư vấn tối cao về kinh tế của Chính phủ Liên bang Đông Dương]. Ông còn tham gia Hội Nhân quyền Pháp tại Việt Nam và Hội Tam điểm Quốc tế. Chính ông đã nhiệt tình hưởng ứng các chí sĩ để lập ra Đông Kinh nghĩa thục, mà ông giữ việc dạy Pháp văn và diễn thuyết bằng quốc văn tại trường.

Ông là người luôn phản đối chính sách hà khắc của Pháp đối với thuộc địa, là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã hai lần từ chối Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp ban tặng. Và cũng là người đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữa cụ Phan Châu Trinh. Vì vậy chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương không ưa gì ông. Tòa báo của ông vỡ nợ. Giữa cơn nguy biến dồn dập về tài chính, Nguyễn Văn Vĩnh nuôi cái mộng sẽ tìm được mỏ vàng ở bên Lào. Đã lâu ông vướng phải chứng bệnh lỵ và khi sang Lào bệnh phát trở lại, và nặng hơn nhưng ông vẫn phải gượng bệnh để điều khiển nhân viên đôn đốc việc khai mỏ tìm vàng. Ngày 1/5/1936 ông xuống thuyền độc mộc, định ghé Tchépone tạm nghỉ và chạy chữa trước, ông trút hơi thở cuối cùng bởi cơn sốt rét cùng với bệnh lỵ giữa dòng sông Sê Pôn [Lào]. Trong tay ông lúc đó đang cầm chặt một cây bút và quyển sổ ghi chép: ông đang viết dở thiên ký sự bằng tiếng Pháp: “một tháng với những người tìm vàng”. Khi đoàn tàu chở quan tài mang thi hài ông về đến Hà Nội, hàng ngàn người đứng chờ trong một sự yên lặng, vô cùng trang nghiêm trước quảng trường nhà ga để đưa tiễn ông.

Đọc xong 3 tác phẩm, với ngòi bút không chuyên của mình, tôi không thể trình bày hết sự nghiệp, cuộc đời hoạt động và những giá trị mà cụ đã để lại cho đời. Nhân kỷ niệm 85 năm ngày cụ mất, tôi muốn bày tỏ tấm lòng tri ân trước một nhà học giả, từng hội tụ nhiều phẩm chất cao quý của con người nhưng số phận nghiệt ngã. Đối với tôi Nguyễn Văn Vĩnh là một anh hùng văn hóa. Còn người bằng tài năng và sức lao động không biết mệt mỏi của mình đã góp phần làm cho chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết của toàn dân Việt Nam.

Chủ Đề