Credit roll là gì

Film Credits hay Tại sao tôi ngồi lại thêm nămphút?

vCritic: Nham Hoa

Định nghĩa một cách ngắn gọn nhất, film credits là danh sách những người đã tham gia thực hiện một tác phẩm điện ảnh. Một khái niệm dễ hiểu, và tưởng chừng như cực kỳ đơn giản, vốn đã trở nên rất quen thuộc với khán giả từ khi môn nghệ thuật thứ bảy mới khai sinh. Nhưng kỳ thực, có không ít chuyện có thể nói và đáng để nói về hai chữ ấy.

Film credits có hai film credits

Thông thường, film credits của một bộ phim sẽ gồm hai phần: opening credits và ending credits. Như tên gọi của mình, opening credits xuất hiện ngay phần đầu bộ phim, liệt kê tên những thành viên quan trọng nhất như đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên chính Ending credits xuất hiện sau khi bộ phim kết thúc, và kể từ thập niên 70 trở lại đây, nó thường là một danh sách dài dằng dặc liệt kê TẤT CẢ (vâng, tất cả!) những người đã có đóng góp vào quá trình sản xuất bộ phim. Nói cách khác, dù bạn chỉ là một nhân viên lo việc trang phục cho nhân vật Frank Abagnale Jr., bạn cũng sẽ được xuất hiện bên cạnh Leonardo DiCarpio và Tom Hanks trong ending credits của Catch Me If You Can. Dĩ nhiên bạn sẽ phải đợi khá lâu để có thể chỉ cho bạn gái thấy tên mình trên màn ảnh, nhưng dẫu sao đó cũng là một điều đáng để tự hào đấy chứ?

Credit roll là gì

Opening credits của Casino Royale

Như trên đã nói, opening credits xuất hiện ngay ở đầu phim, và trong một vài trường hợp nó có thể được biến tấu thành title sequence, trở thành một phần không thể tách rời của nội dung phim. Một ví dụ tiêu biểu là series 007, từ lâu đã nổi tiếng với phần mở đầu đầy những pha hành động và rượt đuổi nghẹt thở. Bởi vậy khán giả (trừ những ai đến muộn) sẽ được/phải xem opening credits cho dù họ muốn hay không. Nhưng ending credits thì khác, nó chỉ đến khi bộ phim đã kết thúc (hay chí ít cũng có vẻ là đã kết thúc). Là những người rất tiết kiệm thời gian, không hề muốn bỏ phí dù chỉ năm phút cho những thứ vô bổ ấy, đa số khán giả Việt Nam sẽ đứng dậy và lũ lượt ra về ngay khi dòng ending credits đầu tiên xuất hiện. Và một câu hỏi được đặt ra ở đây là: liệu credits có đáng để chúng ta kiên nhẫn ngồi lại cho đến phút cuối cùng hay không? Câu trả lời là: Rất đáng!

4+ cái đáng của credits

Cái đáng đầu tiên, ngồi lại xem credits là một hành động tối thiểu để thể hiện sự tôn trọng đối với những người đã góp phần tạo nên một tác phẩm điện ảnh mà chúng ta vừa xem. Nếu một ca sĩ sau khi biểu diễn một bài hát được khen ngợi bằng một tràng vỗ tay, thì những người đứng đằng sau một bộ phim hay cũng xứng đáng được nhận sự trân trọng tương tự. Thật đáng tiếc khi ở Việt Nam chưa có khái niệm standing ovation một tập quán đẹp thường thấy ở các liên hoan phim, khi khán giả đồng loạt đứng lên và dành một tràng pháo tay cho bộ phim xuất sắc họ vừa xem. Có một số người tuy rất muốn ngồi lại song vì thấy ngại ngùng trước ánh mắt lạ lẫm của những người ra về hay của nhân viên nhà rạp nên lại thôi. Tại sao nhỉ? Nếu biết việc mình làm là đúng, thì việc gì phải ngại?

Credit roll là gì

Phần ending credits trong Kung Fu Panda

Cái đáng thứ hai là trâu chậm uống nước trong. Nếu ai từng kiên nhẫn ngồi xem hết credits của Shrek 2 thì chắc hẳn đã từng rất khoái chí khi biết rằng chú Lừa đã lấy ả Rồng và đẻ ra một lũ lừa con có cánh biết phun lửa. Giống như ở Shrek 2, không ít nhà làm phim cố tình đưa vào ending credits một vài chi tiết độc đáo liên quan đến nội dung phim. Porco Rosso, bộ phim hoạt hình của đạo diễn nổi tiếng Hayao Miyazaki, có kết thúc mở, nhưng phần credits lại giấu một chi tiết tiết lộ cho khán giả về số phận của nhân vật chính. Ý thức được sự nhàm chán của một danh sách toàn tên dài dằng dặc, nhiều ê-kíp làm phim đã bỏ công sức chăm chút tỉ mỉ cho phần ending credits để biến nó thành một sự ngạc nhiên thú vị cho những người yêu điện ảnh đích thực. Sự bất ngờ ấy có thể là một bài hát khiến khán giả thấy bùi ngùi hay phấn khích, những nét vẽ đầy nghệ thuật như trong Ratatouille, một phần hình ảnh đầy sáng tạo như của Juno, một chút bình yên như trong Kung Fu Panda và cũng có thể là một ý tưởng ngộ nghĩnh như trong Cars.

Cái đáng thứ ba là trong phần credits có nhiều thông tin rất thú vị mà nếu chú ý một chút ta sẽ phát hiện ra. Một điều rất quan trọng của credits là thứ tự các bên tham gia làm phim (hay còn gọi là billing). Thông thường thì tên nhà sản xuất được xuất hiện trước tiên, chẳng hạn như A George Lucas Production. Nếu đạo diễn có tên tuổi thì sẽ có thêm dòng A Steven Spielberg film. Đôi khi, những cái tên diễn viên đầu tiên xuất hiện trong credits lại là vai phụ. Chẳng hạn như trong Superman (1978) cả Gene Hackman và Marlon Brando (vai phụ) đều được ghi danh trước Christopher Reeve (vai chính) vì cả hai là những diễn viên tên tuổi còn Reeve chỉ mới vào nghề. Việc liệt kê diễn viên còn có khá nhiều nguyên tắc khác nữa như thứ tự xuất hiện trong phim hay chỉ đơn giản là sắp xếp theo thứ vần ABC

Credit roll là gì

Một unit trong The Fall

Ngoài ra, ending credits cũng là nơi tiết lộ khá nhiều thông tin như bối cảnh, quy mô và tầm vóc bộ phim. Credits của The Dark Night cho ta biết mỗi diễn viên chính và thứ đều có trợ lý riêng (Assistant to Mr. Ledger, Assistant to Mr. Oldman); Morgan Freeman có cả thợ làm tóc riêng Điều này cho thấy quy mô tài chính của bộ phim, một điều không thể có ở một bộ phim độc lập kinh phí thấp. Tương tự như vậy, credits của The Fall (đạo diễn Tarsem Singh) cho biết bộ phim được thực hiện một cách cực kỳ công phu, lấy bối cảnh của Nam Phi, Ấn Độ, Anh, Bali, Fiji, Ý, Tây Ban Nha, Séc, Rumani, Trung Quốc, Nam Mỹ, ở mỗi nơi lại có một đơn vị riêng (unit) phục vụ cho quá trình làm phim.

Cái đáng thứ tư, hẳn rất đúng với hoàn cảnh Việt Nam, đó là các rạp chiếu bóng ở ta cực kỳ đông đúc và chật chội. Ngồi lại xem credits cũng là một cách rất hay để tránh phải chen nhau khi đi thang máy hay lấy xe ra về

Có lẽ là có rất nhiều, thậm chí là quá nhiều lý do để trả lời cho câu hỏi Tại sao tôi ngồi lại thêm năm phút? Nhưng cũng có lúc cũng chẳng cần một câu trả lời nào hết. Đôi khi một bộ phim kết thúc, bỏ ta ngồi lại đó, hoặc ngẩn ngơ, hoặc thở phào một tiếng, hoặc quay sang người bạn đi cùng, cứ thế im lặng nhìn nhau và nghe dư âm của bộ phim đang sôi sục trong mình. Đôi khi, cũng chẳng cần phải có lý do nào hết!

Bài viết đăng trên 2!Đẹp số 11, ra tháng 3/2009

Rate this:

Share this:

  • Facebook
  • Twitter

Like this:

Like Loading...

Related

30 Comments

Posted by Nham Hoa on 07/03/2009 in Features