Chiến tranh thế giới thứ 2 để lại bài học gì cho các cường quốc trên thế giới

Để học tốt môn lịch sử, một trong những vấn đề mà đội ngũ thầy, cô và anh chị em học sinh thường trăn trở là: Làm thế nào để người học có thể chủ động trong toàn bộ quá trình học hành và thi cử?

Thông qua chưong trinh tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn [Đại học Quốc gia Hà Nội], chúng tôi muốn hướng tới đáp ứng yêu cầu đó, trước mắt là phục vụ anh chị em học sinh tự ôn tập để có thể chủ động trong các kì thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng theo chương trình và sách giáo khoa lịch sử hiện hành.

Căn cứ vào chương trình môn lịch sử của Bộ Giáo dục và đào tạo, chúng tôi trình hướng dẫn ôn tập từng chương, trong mỗi chương có các mục: 1 – Những mục tiêu cụ thể phù hợp với yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản [thi tốt nghiệp], hoặc phân loại [thi tuyển sinh]; 2 – Nội dung tóm tắt; 3 – Một số câu hỏi ôn tập.

Chúng tôi hi vọng, sự hướng dẫn này sẽ giúp các em học sinh ôn tập có hiệu quả, ngoài ra cũng có thể giúp đội ngũ thầy, cô dạy môn lịch sử một tài liệu tham khảo trong việc hướng dẫn học sinh tự học, tự kiểm tra kết quả học tập.

LỊCH SỬ THẾ GIỚI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2000

Chương I: Trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai [1945 – 1949]

A. Mục tiêu ôn tập

– Học sinh trình bày được hoàn cảnh thời gian, địa điểm, thành phần tham dự và những quyết định quan trọng của Hội nghị Ianta và tác động của các quyết định đó đối với sự hình thành trâtị tự thế giới mới.

– Trình bày được sự thành lập, mục đích, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Liên hợp quốc, đánh giá được vai trò của Liên hợp quốc từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

– Phân tích được đặc trưng cơ bản của thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai là chia thành hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa do hai siêu cường Liên Xô và Mĩ đứng đầu mỗi phe. Đây là nhân tố chủ yếu chi phối các quan hệ quốc tế và nền chính trị thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

– Giải thích được khái niệm: trật tự hai cực Ianta.

B. Nội dung ôn tập

I. Hội nghị Ianta [2/1945] và những thoả thuận của ba cường quốc.

1. Hoàn cảnh lịch sử:

– Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra trước các nước Đồng minh:

  • Nhanh chóng đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít
  • Tổ chức lại trật tự thế giới sau chiến tranh
  • Phân chia thành quả giữa các nước thắng trận

– Từ 4/11/2/1945, hội nghị quốc tế được triệu tập tại Ianta [Liên Xô] với sự tham dự của nguyên thủ 3 cường quốc là Liên Xô, Mĩ, Anh nhằm giải quyết các vấn đề trên.

2. Những quyết định quan trọng của Hội nghị

– Đẩy mạnh việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật.

– Thành lập tổ chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hoà bình và an ninh thế giới.

– Thoả thuận về việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít, phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á:

  • Ở châu Âu: quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Đông nước Đức, Đông Beclin và các nước Đông Âu; quân đội Mĩ, Anh và Pháp chiếm đóng miền Tây nước Đức, Tây Beclin và các nước Tây Âu. Vùng Đông Âu thuộc ảnh hưởng của Liên Xô; vùng Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ. Hai nước Áo và Phần Lan trở thành những nước trung lập.
  • Ở châu Á: Hội nghị chấp nhận những điều kiện của Liên Xô để tham chiến chống Nhật bản: 1- Giữ nguyên trạng Mông Cổ; 2- Trả lại cho Liên Xô miền Nam đảo Xakhalin và các đảo xung quanh; quốc tế hoá thương cảng Đại Liên [Trung Quốc] và khôi phục việc Liên Xô thuê cảng Lữ Thuận; Liên Xô cùng Trung Quốc khai thác đường sắt Nam Mãn Châu – Đại Liên; Liên Xô chiếm 4 đảo thuộc quần đảo Curin.
  • Quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản; ở bán đảo Triều Tiên, quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc và quân đội Mĩ chiếm đóng miền Nam, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới; Trung Quốc cần trở thành một quốc gia thống nhất; quân đội nước ngoài rút khỏi Trung Quốc. Chính phủ Trung Hoa Dân quốc cần cải tổ với sự tham gia của Đảng Cộng sản và các đảng phái dân chủ, trả lại cho Trung Quốc vùng Mãn Châu, đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ; các vùng còn lại của châu Á vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.

3. Nhận xét:

– Thực chất của Hội nghị Ianta là sự phân chia khu vực đóng quân và khu vực ảnh hưởng giữa các nước thắng trận, có liên quan tới hoà bình, an ninh và trật tự thế giới về sau.

– Những quyết định quan trọng của Hội nghị và những thoả thuận sau đó trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới [trật tự hai cực Ianta]. Theo đó, thế giới được chia thành hai phe do hai siêu cường đứng đầu mỗi phe, đối đầu gay gắt trong gần 4 thập niên, làm cho quan hệ quốc tế luôn trong tình trạng phức tạp, căng thẳng.

II. Sự thành lập Liên hiệp quốc

1. Sự thành lập:

– Đầu năm 1945, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, các nước đồng minh và nhân dân thế giới có nguyện vọng gìn giữ hoà bình, ngăn chặn chiến tranh thế giới.

– Tại Hội nghị Ianta [2/1945], ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh nhất trí thành lập một tổ chức quốc tế nhằm gìn giữ hoà bình, an ninh thế giới.

– Từ ngày 25/4 đến 26/6/1945, đại biểu 50 nước họp tại Xan Phranxicô [Mĩ] thông qua bản Hiến chương và tuyên bố thành lập tổ chức Liên hợp quốc. Ngày 24/10/1945, với sự phê chuẩn của Quốc hội các nước thành viên, bản Hiến chương chính thức có hiệu lực.

2. Mục đích:

Hiến chương là văn kiện quan trọng nhất của Liên hợp quốc nêu rõ: Mục đích của Liên hợp quốc là duy trì hoà bình, an ninh thế giới, phát triển các quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

3. Nguyên tắc hoạt động:

– Tôn trọng quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

– Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước.

– Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ nước nào.

– Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

– Chung sống hoà bình và sự nhất trí giữa năm nước lớn [Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc]

4. Các cơ quan của Liên hợp quốc

Hiến chương còn quy định bộ máy tổ chức của Liên hợp quốc gồm 6 cơ quan chính như: Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Ban thư kí, Hội đồng kinh tế xã hội, Hội đồng Quản thác, Toà án Quốc tế.

5. Vai trò của Liên hợp quốc

– Là diễn đàn quốc tế vừa hợp tác và đấu tranh nhằm duy trì hoà bình và an ninh thế giới.

– Có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vụ tranh chấp và xung đột ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia, tiến hành giải trừ quân bị, hạn chế chạy đua vũ trang, nhất là các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt; có nhiều cố gắng trong việc giải trừ chủ nghĩa thực dân.

– Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, giúp đỡ các dân tộc về kinh tế, văn hoá, giáo dục… Liên hợp quốc còn có nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ các dân tộc kém phát triển, các nước đang phát triển về kinh tế, văn hoá, giáo dục, nhân đạo…

– Tuy nhiên, bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng có những hạn chế, không thành công trong việc giải quyết xung đột kéo dài ở Trung Đông, không ngăn ngừa được việc Mĩ gây chiến tranh ở I-rắc…

– Để thực hiện tốt vai trò của mình, Liên hợp quốc đang tiến hành nhiều cải cách quan trọng, trong đó có quá trình cải tổ và dân chủ hoá cơ cấu của tổ chức này.

– Đến năm 2006, Liên hợp quốc có 192 quốc gia thành viên. Từ tháng 9/1977, Việt Nam là thành viên 149 của Liên hợp quốc.

III. Sự hình thành hai hệ thống xã hội đối lập*

Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên thế giới diễn ra nhiều sự kiện quan trọng với xu hướng hình thành hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa – đối lập gay gắt với nhau về chính trị và kinh tế.

– Về chính trị:

  • Mĩ, Anh và Pháp tiến hành hợp nhất các khu vực chiếm đóng của mình; thành lập Nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức [9/1949]. Tháng 10/1949, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức ra đời. Trên lãnh thổ nước Đức hình thành hai nhà nước với hai chế độ chính trị khác nhau.
  • Trong những năm 1945 – 1947, các nước Đông Âu tiến hành nhiều việc quan trọng như: xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân, cải cách ruộng đất, ban hành các quyền tự do dân chủ v.v..

– Về kinh tế:

  • Sau chiến tranh, Mĩ đề ra “Kế hoạch phục hưng châu Âu” [còn gọi là “Kế hoạch Mácsan”], nhằm viện trợ các nước Tây Âu khôi phục kinh tế, đồng thời tăng cường sự chi phối của Mĩ đối với các nước này. Nhờ đó, nền kinh tế các nước Tây Âu phục hồi nhanh chóng.
  • Chủ nghĩa xã hội vượt ra khỏi phạm vi một nước và trở thành hệ thống thế giới. Năm 1949, Hội đồng tuơng trợ kinh tế được thành lập. Thông qua đó, sự hợp tác về chính trị, kinh tế, mối quan hệ giữa Liên Xô với các nước Đông Âu ngày càng được củng cố, tăng cường hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, ở châu Âu xuất hiện sự đối lập về chính trị và kinh tế giữa hai khối: Tây Âu tư bản chủ nghĩa và Đông Âu xã hội chủ nghĩa.

C. Câu hỏi ôn tập

Câu 1. Nêu những quyết định quan trọng của Hội nghị Ianta [2/1945] và phân tích hệ quả của những quyết định đó.

Câu 2. Trình bày sự thành lập, mục đích, nguyên tắc hoạt động và vai trò của Liên hợp quốc.

Câu 3. Nêu những biểu hiện của sự xác lập hai hệ thống xã hội đối lập trên thế giới trong thời gian 1945 – 1949.

Xem tiếp bài 2: Liên Xô và các nước Đông Âu [1945 – 1991], Liên bang Nga [1991 – 2000]

____________

* Phần này thuộc Chương trình nâng cao

Dù đã 80 năm trôi qua, nhưng những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với thế giới đương đại, và luôn được mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới ghi nhớ. Những tổn thất, thương vong lớn về người luôn là bài học nhắc nhở nhân dân thế giới ngày nay cần phải trân trọng và giữ gìn hòa bình để không được phép tái diễn một thảm họa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào.

  • 60 năm sau kết thúc chiến tranh thế giới II: Vẫn cần cảnh giác

Những bài học mãi mãi trường tồn

Cuộc tấn công Ba Lan 1939 – được người Ba Lan gọi là Chiến dịch tháng Chín, Chiến tranh vệ quốc 1939; người Đức gọi là Chiến dịch Ba Lan với bí danh Kế hoạch Trắng [Fall Weiss] – là một sự kiện quân sự đã mở đầu Chiến tranh thế giới thứ hai [cũng được nhắc đến với tên gọi Đệ nhị thế chiến, Thế chiến II hay Đại chiến thế giới lần thứ hai,...] diễn ra vào ngày 1-9-1939. Thế chiến II bắt nguồn từ những lý do khác nhau tại các khu vực địa lý khác nhau.

Tại châu Âu, Thế chiến thứ II là sự tiếp nối của Chiến tranh thế giới thứ nhất khi Đức muốn xóa bỏ các điều ước trong Hòa ước Versailles và mong muốn lấy lại vị thế cường quốc, đồng thời phân chia lại lãnh thổ cũng như ảnh hưởng chính trị tại châu Âu. Sự phát triển của chủ nghĩa phát xít tại châu Âu và các lãnh tụ tại Đức, Italia có tham vọng vẽ lại bản đồ quốc gia cũng như bản đồ địa chính trị châu Âu và châu Phi, phân chia lại thuộc địa, chia lại thị trường.

Trong khi đó, tình hình chính trị tại Trung Âu và Đông Âu không ổn định sau khi Đế quốc Áo-Hung tan rã cũng làm chiến tranh dễ xảy ra. Tại Thái Bình Dương, ý định trở thành cường quốc số một của Đế quốc Nhật Bản và sự thắng thế của một số tướng lãnh quân phiệt đã khiến nước này có ý đồ sáp nhập Trung Quốc và các thuộc địa lân cận [của Anh, Pháp] vào Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á để thoả mãn nhu cầu tài nguyên mà đảo quốc nhỏ bé này không thể tự đáp ứng được. Tham vọng chiếm thuộc địa cuối cùng đã lôi cuốn Nhật Bản vào chiến tranh.

Cuộc chiến tranh thảm khốc này kéo dài 6 năm [từ 1939 đến 1945], bao trùm trên 60 quốc gia trên thế giới, cướp đi sinh mạng của khoảng 100 triệu người. Trong số thương vong, 60% người chết là thường dân, chết vì bệnh dịch, nạn đói, nạn diệt chủng và bom đạn. Cho tới nay, nó vẫn là cuộc chiến rộng lớn và gây tàn phá nhất trong lịch sử nhân loại. Nó cũng tạo ra nhiều phát minh lớn cho nhân loại như vũ khí nguyên tử, máy bay phản lực, radar…

Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới trước chủ nghĩa phát xít trong cuộc chiến tranh này đến nay vẫn là một trong những thiên anh hùng ca chói lọi nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ XX. Những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với thế giới đương đại, và luôn được mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới ghi nhớ. Những tổn thất, thương vong lớn về người luôn là bài học nhắc nhở nhân dân thế giới ngày nay cần phải trân trọng và giữ gìn nền hòa bình thế giới để không được phép tái diễn một thảm họa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào.

Tàu chiến Schleswig-Holstein của Đức nã pháo vào các đơn vị đồn trú của Ba Lan trên bán đảo Westerplatte ngày 1-9-1939.

Cần phải ghi nhận rằng, trong cuộc chiến đấu chống phát xít, nhân dân Liên Xô đã tổn thất rất nặng nề và gánh vác một sứ mệnh lịch sử, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít, và sau chiến thắng ấy, nhân dân Liên Xô trở thành thành trì vững chắc của Chủ nghĩa xã hội, đặt ra một xu hướng phát triển của các dân tộc bị áp bức trên thế giới và dẫn đến sụp đổ từng phần của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Sau cuộc chiến, Liên Xô đã cùng các nước xã hội chủ nghĩa tạo thành một mặt trận chống chiến tranh, gìn giữ hòa bình to lớn trên thế giới.

Kết thúc Thế chiến II đã mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức, và việc hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa ra đời sau cuộc chiến tranh này chính là thành quả của thắng lợi chống chủ nghĩa phát xít. Tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đã bùng lên những cơn bão táp cách mạng, đấu tranh để giải phóng dân tộc. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị lung lay, từng bước sụp đổ.

Phong trào giải phóng dân tộc dâng cao đã trở thành lực lượng quan trọng và là đối trọng chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bá quyền, bảo vệ hòa bình thế giới. Nhân dân các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đã xây dựng được chính quyền dân chủ nhân dân và bước lên con đường xã hội chủ nghĩa, cùng các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô hình thành một hệ thống mới - hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Thế giới ngày nay đã bước vào toàn cầu hóa, lợi ích quốc gia và quốc tế được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ đa phương, đa dạng với mong muốn cùng tồn tại hoà bình và phát triển. Tuy nhiên, những biểu hiện của chủ nghĩa phát xít mới, của tư tưởng bài ngoại, hận thù tôn giáo, sắc tộc… vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, ngay cả ở những nước phát triển. Vẫn còn những tiếng súng của chiến tranh, xung đột; khủng bố, cực đoan vẫn là mối nguy thường trực đe dọa cuộc sống của người dân. Vì vậy, nhắc lại những ý nghĩa và bài học của Thế chiến II chính là để nhắc nhở nhân dân thế giới tiếp tục sự nghiệp đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Lời xin lỗi của người Đức

Sáng sớm 1-9, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier đã tham dự một lễ kỷ niệm 80 năm ngày phát xít Đức ném bom thị trấn Wielun, miền Trung Ba Lan, mở đầu cuộc Thế giới II. Phát biểu tại đây, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nói rằng, người Đức cầu xin sự tha thứ cho thảm kịch mà phát xít Đức đã gây ra cho Ba Lan trong cuộc chiến.

Trước sự có mặt của Tổng thống Ba Lan và hàng nghìn người dân địa phương, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh bằng cả tiếng Đức và Ba Lan rằng người Đức sẽ không bao giờ quên cuộc tấn công mở màn vào Ba Lan tại thị trấn Wielun, dẫn tới sự hủy diệt, sỉ nhục, đàn áp, tra tấn và giết hại hàng triệu người Ba Lan và châu Âu trong suốt Thế chiến II. Ông bày tỏ: “Tôi xin cúi đầu trước các nạn nhân của cuộc tấn công vào Wielun, tôi xin cúi đầu trước những nạn nhân của chế độ chuyên chế Đức và tôi cầu xin sự tha thứ”.

Tổng thống Đức nói thêm rằng, lịch sử không thể đảo ngược được và ông biết ơn người Ba Lan đã tìm đến người Đức để hòa giải. Ông cảm ơn cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của người Ba Lan, nhờ đó mà “bức màn sắt” đã sụp đổ và con đường đến một châu Âu thống nhất, tự do đã rộng mở.

Về phần mình, Tổng thống Andrzej Duda bày tỏ, không ai có thể ngờ phát xít Đức phát động cuộc chiến tranh thế giới bằng một vụ oanh tạc bom vào thị trấn Wielun nhỏ bé, phá hủy 75% cơ sở hạ tầng thị trấn, làm hơn 1.200 người thiệt mạng. Ông lên án vụ ném bom của phát xít Đức như là một hành động man rợ, một hành động khủng bố, một cuộc tấn công vào người dân bình thường.

Lễ kỷ niệm 80 năm ngày nổ ra cuộc Thế chiến II chính thức diễn ra ở Thủ đô Warsaw cùng ngày, với sự tham dự của khoảng 20 nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp của nhiều nước. Điều đáng nói, nước chủ nhà Ba Lan đã mời Tổng thống Mỹ Donald Trump tới dự và có bài phát biểu quan trọng. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Đức rank-Walter Steinmeier tham dự sự kiện ngày Chủ nhật ở Westerplatte.

PV [tổng hợp]

Video liên quan

Chủ Đề