Chỉ ra điểm hạn chế của tổ chức nhà nước văn lang?

NHÀ NƯỚC VĂN LANG - 
NHÀ NƯỚC SIÊU LÀNG [PHẦN 1]

ThS. Nguyễn Minh Tuấn
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội
[Bài viết đã đăng trên Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà nội,

chuyên san Kinh tế - Luật, Tập 23, Số 3, năm 2007.


Có thể truy cập, xem toàn văn đầy đủ tại đây]

Đối với bất kì một quốc gia nào, vấn đề xác định thời điểm, nguyên nhân ra đời, đặc biệt là những đặc trưng cơ bản của nhà nước đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi hai lí do thứ nhất, kể từ thời điểm đó về phương diện phân kì lịch sử, xã hội bước vào một thời kì mới - thời đại văn minh; thứ hai, sự ra đời của bất kì sự vật, hiện tượng nào cũng ảnh hưởng, thậm chí quyết định đến tính chất, đặc trưng của sự vật đó sau này, nhà nước cũng không phải là ngoại lệ, và muốn hiểu được di tồn của nhà nước trong lịch sử đối với hiện tại, thì việc làm sáng tỏ những đặc điểm ngay từ khi nhà nước ra đời là một việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một câu hỏi đặt ra cần thiết phải được làm rõ đặc tính nào là đặc tính quan trọng nhất của nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam?

Nhiều tác giả khi nói về nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã khẳng định rằng nhà nước Văn Lang ra đời là do sự liên kết giữa làng này với làng khác để giải quyết hai vấn đề trị thuỷ và chống ngoại xâm. Nhận định này mặc nhiên lâu nay đã được nhiều nhà khoa học thừa nhận từ những bài viết như Xã hội thời Hùng Vương, Khảo cổ học, số 9-10, 1970 và Cuộc hội thảo về vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử số 5[200], 9-10, 1981 của tác giả Phan Huy Lê; Tìm hiểu làng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1990 của Phạm Quang Ngọc; Về tính chất sở hữu ruộng đất công làng xã, Nghiên cứu lịch sử, số 4/1981, tr.22-23 của Phan Đại Doãn cùng nhiều bài viết khác và vấn đề dừng ở đó, dường như không còn gì phải bàn cãi hơn nữa, nhưng suy nghĩ kĩ thì sự luận giải như vậy vẫn chưa thực sự đầy đủ và thuyết phục. Sự liên kết giữa làng này với làng khác thực chất đó chỉ nói đến tính chất "liên làng". Tuy nhiên, nhà nước Văn Lang không dừng lại ở đó, tức không chỉ là một nhà nước liên làng, vì nếu hiểu liên làng, đó chỉ là sự liên kết giản đơn mang tính tương đương, giữa làng này với làng khác.

Suy ngẫm kĩ hơn về mặt tổ chức, sẽ còn thấy nhà nước Văn Lang thực chất là một nhà nước siêu làng, thể hiện cả ở sự liên kết giữa làng và nước, chứ không chỉ là sự liên kết giữa các làng với nhau. Theo tác giả, tính chất siêu làng thể hiện ít nhất ở ba khía cạnh sau:

Thứ nhất, về nội dung, nhà nước mang dáng dấp của một cái làng lớn có tính liên kết mạnh, tính đại diện cao và tính giai cấp yếu.

Thứ hai, về phạm vi và tính chất liên kết, quan hệ làng nước mang tính hoà đồng, lưỡng hợp, chưa có sự phân định rạch ròi về chức năng, thẩm quyền giữa làng và nước.

Thứ ba, về thời gian, nhà nước Văn Lang dần được hình thành trong một quá trình rất lâu dài.

1 - Nhà nước Văn Lang mang dáng dấp của một cái làng lớn - tính liên kết mạnh, tính đại diện cao nhưng tính giai cấp yếu

Người Việt nam ngay từ tấm bé đã quá quen thuộc với hai hình ảnh, một là hình ảnh "nước dâng đến đâu núi đồi cao đến đó" [Sự tích Sơn Tinh - Thuỷ Tinh] và hình ảnh "một chú bé mới 3 tuổi đã đứng dậy nhổ tre đánh giặc" [Sự tích Thánh Gióng]. Hình ảnh ấy dễ nhớ, dễ thuộc, vừa như một niềm tự hào, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc của người Việt về sức mạnh của sự đoàn kết, nhưng cũng là lời nhắc nhở rất sâu sắc đối với mỗi người Việt rằng dân tộc này, đất nước này ngay từ khi ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn thường trực như thế.

Đến nay giới khảo cổ học đã chứng minh rằng cách đây khoảng 5000 năm, đồng bằng Sông Hồng đã được hình thành do hiện tượng biển lùi, là nơi rất phù hợp với phát triển kinh tế nông nghiệp. Ở gần các con sông lớn, bên cạnh những ưu đãi luôn kèm theo nó là những thách thức. Để phát triển nông nghiệp, người dân phải tập hợp nhau lại để đắp đê, trị thuỷ.

Một vấn đề thứ hai nữa là khu vực đồng bằng Sông Hồng nằm vào một vị trí địa lý mang tính chất tiếp xúc của bán đảo Đông Dương và Đông Nam á. Nó nằm trên đầu mối của những luồng giao thông tự nhiên, thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hoá, nhưng đồng thời đây cũng là nơi có vị trí dễ dàng bị tiến công từ nhiều phía, do vậy hình thành thách thức thứ hai là chống giặc ngoại xâm [8 ; tr.16].

Một người rồi một làng cũng không thể tự đắp đê trị thuỷ hay đánh đuổi giặc ngoại xâm được, công việc ấy đã đòi hỏi phải có sự liên kết mạnh, sự hợp sức của nhiều làng.

Lúc ban đầu, trị thuỷ và chống ngoại xâm là những chức năng xã hội xuất phát từ lợi ích chung và sau đó dần trở thành chức năng của Nhà nước đối với xã hội. Như vậy ở một khía cạnh khác, nhà nước ra đời còn để thực hiện chức năng đại diện chăm lo các công việc chung của xã hội.

Trị thuỷ hay chống giặc ngoại xâm thực chất là một nhu cầu cần thiết, có thực của xã hội, do vậy tính xã hội là yếu tố khởi thuỷ đầu tiên thúc đẩy nhanh tiến trình ra đời nhà nước, chứ chưa phải là tính giai cấp.

Về sự phân hoá xã hội, một thực tế cho thấy số lượng nô tỳ trong xã hội lúc này là không nhiều và vai trò trong sản xuất là không đáng kể. Tầng lớp nô tỳ là tầng lớp ở vào địa vị thấp nhất trong xã hội thời Hùng Vương. Nguồn gốc của họ có thể là những thành viên công xã nghèo khổ hay vi phạm tục lệ công xã bị bắt làm nô tỳ, hoặc có thể là người ngoại tộc bị bán làm nô tỳ . Tầng lớp nô tỳ có thể tham gia sản xuất, nhưng chủ yếu là phục dịch trong các gia đình quí tộc. Số lượng nô tỳ trong xã hội không nhiều và vai trò trong sản xuất không đáng kể, thực chất đó là chế độ nô lệ gia đình ở Phương Đông mà F.Engen đã nhận xét: "nó không trực tiếp là cơ sở của sản xuất, mà gián tiếp với tính cách là một nhân tố của gia đình" [1; tr.295].

Lực lượng đông đảo nhất trong xã hội lúc này là nông dân công xã, nhưng đây chưa phải là nông nô của xã hội phong kiến. Số lượng chiếm đông đảo nhất trong xã hội lúc bấy giờ là tầng lớp dân tự do. Dân tự do được công xã chia ruộng đất cho cày cấy, nhưng lại bị lạc hầu bắt cống nạp. Có thể thấy những đặc điểm của loại hình công xã á Châu vẫn bảo đảm cho công xã quyền tự trị rộng lớn và bảo đảm cho các thành viên công xã một cuộc sống tương đối ổn định, hạn chế xu hướng nô lệ hoá và nông nô hoá [2; tr.22].

Một điều có thể khẳng định rằng hình thức bóc lột cống nạp hay lao dịch dù có chứa đựng mầm mống của chế độ nô dịch, nhưng không thể coi những thành viên của CXNT là nông nô. Hơn nữa, về mặt sở hữu, toàn bộ ruộng đất cày cấy cùng với rừng núi, sông ngòi, ao đầm trong phạm vi công xã đều thuộc quyền sở hữu của công xã. ở đây không có sở hữu tư nhân mà chỉ có việc chiếm dụng của cá nhân riêng lẻ, kẻ sở hữu thực tế, do đó sở hữu chỉ tồn tại với tư cách là sở hữu chung về ruộng đất.

Về mặt tổ chức nhà nước, nhà nước Văn Lang được tổ chức theo hình thức chính thể quân chủ, thể hiện ở chỗ người đứng đầu nhà nước được hình thành bằng phương thức truyền ngôi thế tập [cha truyền con nối]. Hùng Vương mang hình ảnh là người tù trưởng, người thủ lĩnh liên minh bộ lạc. Trong danh hiệu Hùng Vương, yếu tố Vương [Chữ Hán, có nghĩa là vua] rõ ràng là do những nhà chép sử về sau này thêm vào với suy nghĩ rằng người đứng đầu một nước phải là Vương hoặc Đế, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Yếu tố Hùng là từ Hán dùng phiên âm một từ Việt cổ có nghĩa là từ Khunzt dùng để chỉ người đứng đầu gia tộc, người tù trưởng, người thủ lĩnh hay một lĩnh vực nào đó của đời sống xã hội [10; tr.353].

Nước Văn Lang chia làm 15 bộ, đứng đầu mỗi bộ là Lạc tướng, đây cũng là chức thế tập cha truyền con nối. Bộ thực chất là bộ lạc, Lạc tướng vốn là tù trưởng bộ lạc rồi chuyển hoá thành người đứng đầu một "vùng - bộ lạc" của nước Văn lang dưới quyền Hùng Vương. Dưới bộ là các Công xã nông thôn [CXNT] [kẻ, chạ, chiềng]. Kết hợp quan hệ xóm làng với quan hệ họ hàng, quan hệ láng giềng với quan hệ huyết thống. Trong Tiếng Việt, những CXNT đó sau này được gọi là làng, xã, nhưng trước đó còn có những tên gọi cổ hơn như kẻ, chạ, chiềng. Mỗi CXNT gồm một số gia đình sống quây quần trong một khu vực địa lý nhất định. Thời bấy giờ ruộng đất tư hữu chưa xuất hiện. Đứng đầu công xã là bồ chính [Po - tơ - ring] - mà thực chất là các già làng. Bồ chính là từ Hán phiên từ Việt cổ mà âm và nghĩa còn tìm thấy trong từ Pó Chiêng của dân tộc Tày - Thái ở phía Bắc, hay từ Po - tơ - ring của dân tộc Tây Nguyên có nghĩa là người già làng.

Ruộng đất lúc này vẫn là do công xã nắm giữ [7; tr.63-68], tác giả cho rằng đây là yếu tố quyết định lí giải vì sao tính giai cấp của Nhà nước Văn lang là yếu, cho nên có thể thấy lúc này chính quyền trung ương yếu, và làng xã mạnh, khác căn bản với thời kì từ thế kỉ X trở đi [đặc biệt là thời Lí - Trần - Hồ, Hậu Lê, Nguyễn] lúc đó chính quyền trung ương mạnh và làng xã yếu.

[Còn nữa...]

Sự giải thể của công xã thị tộc và sự ra đời của công xã nông thôn. Công xã nông thôn là một hình thái xã hội xuất hiện phổ biến vào giai đoạn tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ và quá độ sang xã hội có giai cấp. Căn cứ vào các di tích khảo cổ thời Hùng Vương từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn ta thấy không những về mặt không gian có sự mở rộng dần và tập trung ở những vùng đồng bằng ven các con sông lớn Bắc bộ, Bắc Trung bộ mà các khu cư trú thường rộng lớn từ hàng nghìn mét vuông cho đến một vài vạn mét vuông và tầng văn hóa khá dày, nhất là giai đoạn Đông Sơn, khu cư trú được mở rộng hơn, có những khu cư trú rộng tới 250.000 m2. Những khu vực cư trú rộng lớn đó là những xóm làng định cư trong đó có một dòng họ chính và còn có một số dòng họ khác cùng sinh sống. Những xóm làng đó dựa trên cơ sở công xã nông thôn [bấy giờ gọi là kẻ, chiềng, chạ]. Một công xã bao gồm một số gia đình sống trên cùng một khu vực, trong đó quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn trong công xã bên cạnh quan hệ địa vực [láng giềng]. Sự ra đời của công xã nông thôn là một trong những tiền đề cho sự hình thành quốc gia và nhà nước. Nhân tố thuỷ lợi và tự vệ cũng đã đóng vai trò rất quan trọng đưa đến sự hình thành lãnh thổ chung và tổ chức nhà nước đầu tiên vào thời Đông Sơn. Từ trong cuộc đấu tranh để khắc phục những trở ngại của thiên nhiên [mưa nguồn, nước lũ, bão tố, phong ba, hạn hán] đòi hỏi mọi thành viên không phải chỉ có trong từng công xã, mà nhiều công xã phải liên kết với nhau để tiến hành các công trình tưới, tiêu nước, đảm bảo cho sự phát triển một nền kinh tế mà nông nghiệp trồng lúa nước là chủ đạo. Nước ta lại ở vào vị trí chiến lược của vùng Đông Nam Á, nằm trên các đầu mối giao thông thuỷ bộ quan trọng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây như một đầu cầu từ biển cả tiến vào đất liền. Đây cũng là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa thuận lợi và cũng là nơi xảy ra nhiều đụng độ và nhiều mối đe doạ ngoại xâm. Yêu cầu liên kết, thống nhất lực lượng để tự vệ cũng không kém phần cấp thiết như yêu cầu liên kết để đấu tranh chống những trở ngại của thiên nhiên. Sự tăng nhanh về tỷ lệ vũ khí so với hiện vật trong các di tích từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, đã chứng tỏ một hiện tượng nổi lên ở cuối thời Hùng Vương là xã hội có nhiều mối đe doạ và xung đột. Trong hoàn cảnh như vậy, những yêu cầu nói trên đã có tác động đẩy mạnh sự quần tụ thống nhất cư dân sống trong các địa vực khác nhau có cùng tiếng nói và phong tục thành một cộng đồng cư dân thống nhất. Từ thực tế lịch sử đó, trải qua các thế hệ nối tiếp, ý thức xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó họ hàng, làng, nước được tăng cường. Điều đó, đã đưa đến sự liên minh giữa nhiều bộ lạc lớn với nhau [mà sử cũ gọi là 15 bộ] thành một lãnh thổ chung do bộ lạc Văn Lang làm trung tâm. Liên minh bộ lạc Văn Lang là ngưỡng cửa của một quốc gia đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Căn cứ vào phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn, chúng ta thấy trùng khớp với cương vực của Văn Lang thời Hùng Vương. Cương vực đó có 15 bộ lạc lớn, bên cạnh những bộ lạc nhỏ khác sinh sống, có mối quan hệ láng giềng chặt chẽ do có quá trình cùng chung sống bên nhau, có chung một số phận lịch sử, một nhu cầu để tồn tại và phát triển, đã dần dần tạo nên cho cả cộng đồng cư dân một lối sống chung, văn hóa chung. Và như vậy, từ các đơn vị cộng cư của một xã hội nguyên thuỷ, bộ lạc đã hình thành các đơn vị hành chính [bộ] của một quốc gia cùng với sự hình thành lãnh thổ chung và một tổ chức chung để quản lý và điều hành xã hội.

Nhà nước Văn Lang ra đời

Dựa vào tài liệu khảo cổ học, tài liệu thành văn [sử cũ của Trung Quốc và của nước ta] có thể sơ bộ phác hoạ cấu trúc của nhà nước thời Hùng Vương theo hệ thống 3 cấp của bộ máy cai trị tương ứng với 3 cấp quan chức. Đứng đầu nước Văn Lang là Hùng Vương. Ngôi Hùng Vương cha truyền con nối. Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Dưới Hùng Vương và giúp việc cho Hùng Vương có các lạc hầu, lạc tướng. Lạc tướng còn trực tiếp cai quản công việc của các bộ. Nước Văn Lang có 15 bộ [trước là 15 bộ lạc]. Lạc tướng [trước đó là tù trưởng] cũng thế tập cha truyền con nối, còn gọi là phụ đạo, bố tướng. Dưới bộ là các công xã nông thôn [bấy giờ có tên ghi là kẻ, chạ, chiềng]. Đứng đầu kẻ, chạ, chiềng là các bồ chính [có nghĩa là già làng]. Bên cạnh bồ chính có lẽ còn có một nhóm người hình thành một tổ chức có chức năng như một hội đồng công xã để tham gia điều hành công việc của công xã nông thôn. Mỗi công xã có nơi trung tâm hội họp, sinh hoạt cộng đồng, thường là một ngôi nhà công cộng. Căn cứ vào lời tâu của Mã Viện lên vua nhà Hán về tình hình Âu Lạc trước khi nhà Hán xâm lược và đô hộ nước ta, có thể nghĩ rằng, bấy giờ nhà nước Văn Lang đã có pháp luật để điều hành xã hội. Sách Hậu Hán thư viết “luật Việt” khác luật Hán hơn mười việc”. Có lẽ “luật Việt” mà Mã Viện dùng là một thứ luật tục. Sử sách thường ghi cư dân nước ta bấy giờ là người Lạc Việt và quốc hiệu là Văn Lang do vua Hùng đặt. Đại việt sử lược ghi rằng: Đến đời Trang Vương nhà Chu [696-682 tr.CN] ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu nước là Văn Lang. Việt Vương Câu Tiễn [505-462 tr.CN] cho người đến dụ hàng nhưng Hùng Vương không theo. Dựa vào các tài liệu và những thành tựu nghiên cứu về thời đại Hùng Vương hiện nay, có thể đoán định có cơ sở rằng thời điểm ra đời của nước Văn Lang với tư cách là một nhà nước sơ khai là vào khoảng thế kỷ VII-VI tr.CN [ở giai đoạn Đông Sơn]. Sự ra đời của nước Văn Lang dù còn sơ khai và có phần sớm khi trong xã hội phân hóa chưa sâu sắc [như do tác động mạnh mẽ của yêu cầu thuỷ lợi và chống ngoại xâm thúc đẩy cho sự ra đời sớm] nhưng đã đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ có ý nghĩa thời đại của lịch sử Việt Nam- mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc.

[Còn tiếp]

Video liên quan

Chủ Đề