Cách triệt tiêu từ trường

Giải pháp nào khắc phục ảnh hưởng của điện trường đối với môi sinh?

Cách triệt tiêu từ trường

Ảnh minh hoạ.

Theo thống kê của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), hiện nay các tuyến đường dây 500 kV, 220 kV,110 kV ở nước ta có tổng cộng 18.340 km, trong đó nhiều cung đoạn đường dây đi qua vùng dân cư sinh sống và canh tác.

Ảnh hưởng của điện từ trường

Hiện tượng cảm ứng điện từ là một hiện tượng hiện hữu của tất cả các đường dây cao áp trên không, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nó liên quan trực tiếp đến cường độ điện trường. Theo tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Việt Nam thì trị số cường độ điện trường cho phép lớn nhất là 25 kV/m. Công nhân ngành điện làm việc trong môi trường có cường độ điện trường tới 25 kV/m đều phải trang bị bảo hộ lao động chuyên ngành.

Thực tế, việc sửa chữa "nóng" các đường dây trên không vẫn mang điện có điện áp 220 kV, 500 kV thì cảm ứng điện trường đối với công nhân sẽ vượt quá quy định cho phép hàng chục lần. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì điện cảm ứng có thể rất lớn, nhưng điện từ trường tần số 50 Hz khi cường độ điện trường nhỏ hơn

5 kV/m thì không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tất cả hệ thống lưới điện của Việt Nam hiện đang vận hành đều có điện từ trường với tần số 50 Hz.

Theo Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp (KTATCN), Bộ Công Thương, Cục đã chủ trì kiểm tra, giám sát việc đo cường độ điện trường tại hơn 400 điểm dọc hành lang lưới điện 500 kV và hơn 100 điểm dọc hành lang lưới điện 220 kV. Kết quả cho thấy, đối với lưới 220 kV, cường độ điện trường luôn có giá trị nhỏ hơn giới hạn quy định. Còn lưới 500 kV, chỉ có 3/400 điểm có chỉ số lớn hơn giới hạn cho phép.

Hiện tượng cảm ứng tĩnh điện (còn gọi là nhiễm điện) xảy ra thường là ở những vị trí có các vật bằng kim loại như mái tôn, dây phơi bằng dây thép, dây ăng-ten... nằm trong hành lang lưới điện cao áp. Khi đường dây đang vận hành, dùng bút thử điện chạm vào những vật này thì bút thử điện cũng báo sáng. Nếu người vô tình chạm vào những vật này sẽ có cảm giác bị điện giật nhẹ. Nếu được tiếp đất thì các vật này sẽ hết cảm ứng điện. Ðây chỉ là hiện tượng cảm ứng tĩnh điện, dòng điện này không đủ gây tai nạn về điện, nhưng nó có thể gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho những người ở trong hành lang lưới điện khi họ ít hiểu biết về điện trường.

Hạn chế và giải pháp khắc phục

Vấn đề ảnh hưởng của điện từ trường lưới truyền tải điện tại một số địa điểm trong hành lang lưới điện là do khi thi công đường dây, việc tiếp đất cho các vật dụng có thể nhiễm điện của những hộ nằm trong hành lang lưới điện vẫn chưa được thực hiện triệt để gây cho các hộ dân ở khu vực đó tâm lý hoang mang, cảm giác không an toàn khi ở trong hành lang lưới điện.

Hơn nữa, công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành về an toàn và bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cho nhân dân còn hạn chế. Trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình vẫn còn những bất cập như: Giá đền bù chưa phù hợp thực tế thị trường, một số hộ dân rất muốn di dời đi nơi khác, mặc dù nhà của họ vẫn bảo đảm an toàn khi nằm trong hành lang lưới điện theo Nghị định 106/ NÐ.

Chuyên gia Ban Kỹ thuật an toàn của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam cho biết: Trên thực tế, nhiều hộ gia đình ở một số thành phố, thị xã còn xây cất, cơi nới nhà cửa, cố tình vi phạm hành lang lưới điện cao áp. Họ đưa ra nhiều lý do để được "sống chung" với điện. Trong khi đó, nhiều hộ dân đủ điều kiện tồn tại trong hành lang lưới điện tại một số địa phương lại viết đơn thư gửi các cấp, các ngành để... khiếu nại. Vấn đề là các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả về công tác an toàn hành lang lưới điện cho người dân, đồng thời thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế hiện tại đối với các vấn đề về giá đền bù giải phóng mặt bằng cho những hộ dân nằm trong hành lang lưới điện. Có như vậy thì mới chấm dứt được tình trạng khiếu nại và không còn hộ dân vi phạm an toàn hành lang lưới điện như hiện nay.

Từ thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng và phát triển nói chung cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với định hướng phát triển, phải không ngừng rà soát, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ và điều kiện thuận lợi cho các ngành, doanh nghiệp và cho mọi người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Với ngành điện, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật và có nhiều chính sách phát triển ngành điện, nhất là chính sách đối với khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Tuy nhiên, tính đồng bộ về chủ trương ở tầm vĩ mô và việc tổ chức thực hiện ở các cấp, ngành cần được cập nhật, nghiên cứu và bổ sung để ngày càng hoàn thiện.

Tại một cuộc hội thảo về ảnh hưởng của điện từ trường, Thứ trưởng Bộ Công thương Ðỗ Hữu Hào cho rằng, ngành điện khi xây dựng các đường dây cao áp và siêu cao áp cần phải có chính sách và giải pháp đồng bộ từ khâu khảo sát, lập quy hoạch cho đến triển khai tổ chức thực hiện, vừa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, vừa bảo đảm cảnh quan môi trường và an toàn cho cộng đồng xã hội.

Bên cạnh những cơ chế, chính sách phù hợp quy định của pháp luật, thì các cấp, các ngành cũng phải quan tâm xem xét đến quyền lợi của các hộ dân đang sống trong khu vực ảnh hưởng của điện từ trường. Ðồng thời, phải tăng cường công tác hướng dẫn, giải thích, tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng, nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống điện và hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo các chuyên gia về ngành điện, quy định ngưỡng giới hạn an toàn về cường độ điện từ trường mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho con người sống và làm việc trong vùng quy định. Quy định này tương đương với quy định của một số nước trên thế giới và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số tổ chức quốc tế khác. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, cần được tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động ảnh hưởng của nó để thống nhất về mặt nhận thức và giải pháp phòng tránh.

Cơ quan quản lý nhà nước về điện từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp hoạt động điện lực và nhân dân cần phải tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về vấn đề an toàn điện và môi trường như: Luật Ðiện lực, các nghị định của Chính phủ và các quy chuẩn liên quan khác; các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống, các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn, thiết kế cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các phản ánh của người dân và dư luận xã hội, đề xuất các giải pháp; đặc biệt là những giải pháp về kỹ thuật, quy hoạch, thiết kế lưới điện... để giảm ảnh hưởng của lưới điện đến cảnh quan môi trường, hạn chế tác động của điện từ trường tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

* Tiến sĩ Ðinh Hạnh Thưng (Viện nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật Bảo hộ lao động):

Không nên nhầm lẫn hiện tượng cảm ứng điện với hiện tượng nhiễm điện. Nhiễm điện hình thành khi con người tiếp xúc với một vật có điện tích tĩnh điện, sẽ có điện tích chuyển từ vật có điện tích sang người. Nhưng còn trong trường điện từ thì sẽ bị cảm ứng điện do con người đứng cách xa đường dây gây ra trường điện từ. Khi dùng từ nhiễm điện người ta dễ nhầm lẫn với khái niệm nhiễm bệnh, như nhiễm hoá chất độc, gây hoang mang cho những người dân sống ở khu vực có đường dây cao áp đi qua. Hiện tượng cảm ứng điện từ khi đứng trong trường điện từ thì có cảm ứng, còn khi ra khỏi trường điện từ thì sẽ hết, không có hiện tượng tích lũy.

* Kỹ sư Trần Phùng Thạch, Cục Kỹ thuật an toàn (Bộ Công thương):

Với tình hình thực tế là quỹ đất đai xây dựng ngày càng eo hẹp trong khi nhu cầu phát triển của hệ thống lưới điện tăng rất nhanh như hiện nay, Chính phủ đã cho phép tồn tại nhà ở, công trình trong lưới điện cao áp. Ðể bảo đảm yêu cầu về an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Quốc hội đã thông qua Luật Ðiện lực và Chính phủ đã ban hành các văn bản có nội dung về an toàn phù hợp với khuyến cáo của WHO.

Tuy nhiên, EVN cần thực hiện nghiêm túc tuyệt đối quy định về tiếp địa kết cấu kim loại của nhà dân theo Quyết định số 183/NL-KHCN về việc ban hành tiêu chuẩn ngành, theo đó đối với nhà ở, công trình của nhân dân và đơn vị, cơ quan đã có trước khi xây dựng đường dây thì chủ đầu tư công trình điện phải chịu kinh phí và tổ chức tiếp địa tất cả các kết cấu kim loại của nhà ở, công trình cách đường dây 220 kV đến 50 m và cách đường dây 500 kV đến 100 m nhằm giảm đến mức thấp nhất hiện tượng ảnh hưởng điện từ trường.

* Ông Nguyễn Mạnh Quang, Tổng Biên tập Tạp chí Bảo hộ lao động:

Về vấn đề nhiễm điện trường không những từ các cơ quan thông tin tuyên truyền đại chúng mà ngay cả trong ngành điện, công tác thông tin, tuyên truyền, cách làm, cách giải thích cho người dân hiểu đúng về vấn đề điện trường quan trọng tới mức nào đều chưa thấu đáo.

Theo tôi, ngành điện phải coi công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nói chung và người dân sinh sống gần đường dây truyền tải có điện áp cao, là một trong những nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của ngành.

Từ đó, cần có kế hoạch đầu tư kinh phí, nhân sự và các giải pháp để giải quyết vấn đề, thường xuyên phối hợp các cơ quan báo chí tổ chức họp báo, thông tin kịp thời tới công luận khi có vấn đề; giải quyết dứt điểm những tồn tại về giải phóng mặt bằng, có giải pháp kỹ thuật như tổ chức nối tiếp địa cho công trình theo quy định...; trực tiếp thông tin cho người dân các địa phương những kiến thức tối thiểu về điện trường đường dây 200 kV, 500 kV, để người dân có thể tự bảo vệ mình...; phát tài liệu, tờ rơi tới từng hộ có đường dây tải điện 500 kV hay 200 kV đi qua..., hoặc sử dụng ngay cơ quan tuyên truyền của ngành là Tạp chí Ðiện lực, Bản tin Công đoàn Ðiện lực... để phổ cập, giải đáp những vấn đề có liên quan đến điện trường.

Ðối với các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình, với trách nhiệm của mình, cần chủ động và cử phóng viên am hiểu về chuyên môn tham gia tuyên truyền, phổ biến và phản ánh những vấn đề có liên quan để người dân hiểu đúng và có trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ và phòng ngừa tác động của điện trường. Ðồng thời, để bảo đảm tính đúng đắn, nhất là vấn đề có liên quan đến các quy trình kỹ thuật..., trước khi đăng các bài viết hoặc tổ chức các chương trình phát thanh - truyền hình, nên tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, nhất là các cán bộ của Ban Kỹ thuật An toàn của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. Ðồng thời, để nâng cao chất lượng các bài viết, các tác giả cũng nên kiểm tra lại các thông tin phát ra, từ đó tiếp tục thông tin theo hướng chuẩn xác và hiệu quả nhất.

KIM HOA