Cách tiết kiệm tiền lương 3 triệu

Bí quyết đủ tiêu với lương tháng 3 triệu đồng

Trên diễn đàn mạng dành cho gia đình có khoảng 28.000 thành viên, một giáo viên cấp 2 chia sẻ bí quyết chi tiêu với mức lương dưới 3 triệu đồng mỗi tháng, thu hút nhiều quan tâm.

15:59 12/10/2015

Bài viết "Bí quyết đủ tiêu với lương tháng 3 triệu đồng" của Zing.vn đăng ngày 12/10 đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ khác nhau từ độc giả.

Phần lớn bạn đọc cho rằng, cách phân bổ quỹ lương của cô giáo trẻ Nguyễn Huệ [Tân Hưng Hiệp, Long An] thành nhiều khoản cố định từ đầu tháng nhằm kiểm soát thu chi là hợp lý.

Độc giả BinhVo đánh giá: "Đây là cách quản lý chi tiêu tài chính cho gia đình đáng học hỏi, đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn, thu nhập thấp. Các quỹ tiền được chia nhỏ rất rõ ràng. Dù trong phương án của chị Huệ còn thiếu khoản chi cho nhiên liệu nấu nướng, hiếu hỷ, chăm sóc sức khỏe... nhưng thật sự, cách chị làm rất nên tham khảo".

Một số độc giả có mức lương dưới 3 triệu đồng mỗi tháng đồng cảm với chị Huệ, cho rằng, dù thu nhập ở mức nào, nếu có phương án chi tiêu phù hợp, vẫn "sống được".

"1 triệu cũng sống mà 10 triệu vẫn sống. Chẳng qua là sống như thế nào mà thôi. Tiền ít thì nhịn ăn nhịn mặc lại mà sống. Chứ bây giờ, với 10 triệu anh sống được còn với 1 triệu thì anh chết hay sao? Người ta lương 10 triệu thì ăn phở buổi sáng, cơm trưa văn phòng, tối ăn quán. Mình lương 1 triệu thì ăn bánh mì. Mì gói cơm nguội mang theo...", bạn đọc Nguyễn Ken.

Một bạn đọc khác là công nhân ở Bình Dương chia sẻ: "Ai không tin có thể sống dư với 3 triệu chứ tôi thì tin. Lương hiện tại của tôi còn thấp hơn thế. Tôi cũng đang thực hiện phương án chi tiêu này và thấy rất ổn".

Hải Yến, sinh viên mới ra trường, cho rằng, nhờ những chia sẻ của chị Huệ mà Yến rút ra được kinh nghiệm "sống đủ" cho chính bản thân. Yến cho biết, khi còn là sinh viên, mỗi tháng cô nhận trợ cấp từ bố mẹ 3,5 triệu đồng là đủ sống. Tuy nhiên, sau khi ra trường, mức lương hiện tại gần 10 triệu đồng mỗi tháng với cô vẫn thiếu vì nhiều nhu cầu khác như làm đẹp, giải trí, giao lưu bạn bè...

"Em phải lên lại kế hoạch kiểm soát tài chính và chi tiêu để không những đủ sống mà còn tiết kiệm được một khoản với mức lương hiện tại", Yến tâm sự.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tán thành, không ít người cho rằng cách quản lý chi tiêu của cô giáo trẻ chỉ phù hợp với cuộc sống ở nông thôn và có phần tiết kiệm thái quá.

Độc giả Thiên Phú [TP HCM] nhận xét: "Đây là những chia sẻ hay và bổ ích, nhưng khó mà có thể áp dụng khi sống ở một thành phố lớn, chi phí đắt đỏ như TP HCM".

Phương án quản lý chi tiêu để sống đủ với mức lương 3 triệu đồng/tháng thu hút nhiều quan tâm từ độc giả. Ảnh: Nguyễn Huệ.

"Chi phí trên chưa bao gồm: 1. Thuê nhà hoặc trả góp nhà. 2. Điện thoại 3. Nhu cầu giao lưu hàng ngày [cà phê, ăn sáng với bạn bè, thể thao xong đi uống nước,... ] 4. Liên hoan, sinh nhật, giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi. 5. Ốm đau, bệnh tật sơ sơ 6. Khách đột xuất mà chi 300.000 đồng thì chỉ có uống rượu. Chứ bia giờ 1 thùng cũng 300.000 đồng rồi. Không lẽ khách đến chỉ ra chợ mua thêm cái lẩu hay món gì đó rồi ngồi ăn nói chuyện suông.

Đa số ai cũng kiểm soát được chi phí cố định hàng ngày và thông thường họ bị nghèo đi hoặc mất khả năng thanh toán do các khoản chi phí phát sinh kể trên. Tuy nhiên, cách phân chia các khoản ra để kiểm soát đúng là một cách đáng để học hỏi", bạn Anh Tuấn đưa quan điểm.

"Tôi xem cách chị Huệ phân bổ chi tiêu thì rõ ràng gần 3 triệu đồng mỗi tháng chỉ đủ cho những nhu cầu tối thiểu. Các quỹ nhỏ mà chị chia ra không có hoặc có nhưng quá ít ngân sách phòng khi ốm đau, thết đãi bạn bè, hiếu hỷ...", chị Lan Anh [TP Hồ Chí Minh] chia sẻ.

Chị cho biết, thu nhập hiện tại là 4,5 triệu đồng mỗi tháng mà còn "thiếu lên, thiếu xuống". Chị không tin với 3 triệu đồng, vợ chồng cô giáo trẻ có thể sống tốt lại dư ra được cả tiền tiết kiệm.

"Phương án này là chỉ giới hạn trong điều kiện lý tưởng. Thử nghĩ xem trong cuộc sống đôi khi phát sinh rất nhiều thứ như: tiền đám cưới, bệnh tật, tiền sửa đồ đạc... Và nếu chị phải đi thuê nhà nữa thì sao?", Meliodas Huynh đặt câu hỏi.

Thậm chí, không ít ý kiến độc giả cho rằng, thay vì đau đầu tìm cách sống đủ với khoản lương "còm", chị Huệ cũng như nhiều người trong hoàn cảnh tương tự nên tìm cách gia tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.

"Ngoài công việc chính, vợ chồng anh chị hoàn toàn có thể buôn bán thêm hoặc tìm nhiều việc khác để gia tăng thu nhập. Thay vì đau đầu nghĩ tiêu sao cho đủ, thà anh chị đầu tư thời gian nghĩ việc kiếm thêm tiền có lẽ sẽ sướng hơn", một độc giả tại Đà Nẵng gợi ý.

Trao đổi với Zing.vn, chị Nguyễn Huệ cho biết, do mới chuyển từ Hà Nội vào Long An nên anh chị mất một khoảng thời gian để làm quen với cuộc sống mới. Do vậy, gần 3 tháng đầu, chị buộc phải thắt chặt chi tiêu để đảm bảo cuộc sống.

Ai cũng muốn được sống sung sướng hơn nhưng điều kiện chưa cho phép thì buộc chị phải thích ứng với hoàn cảnh trước mắt. Huệ hy vọng mọi người tham khảo phương pháp quản lý tài chính hơn là ví dụ cụ thể. Bởi cũng công thức đó nhưng mỗi người hoàn toàn có thể vận dụng khác nhau tùy vào hoàn cảnh.

"Mình cũng không nghĩ rằng gia đình mình sẽ mãi chỉ có 2 người hay vợ chồng mình sẽ mãi chỉ ăn những bữa ăn 20.000 đồng", Huệ tâm sự.

Chị cho biết, để gia tăng thu nhập, hiện đôi vợ chồng trẻ đã lên kế hoạch mở quán bán đồ ăn nhanh tại nhà. Kinh nghiệm quản lý chi tiêu được chị Huệ áp dụng với mong muốn luôn kiểm soát được tình hình thu, chi, từ đó cải thiện cuộc sống.

Độc giả quan tâm có thể bày tỏ quan điểm, kế hoạch chi tiêu với số tiền ít ỏi trong mỗi tháng vào phần bình luận cuối bài hoặc gửi vào địa chỉ email .

Bí quyết đủ tiêu với lương tháng 3 triệu đồng

Trên diễn đàn mạng dành cho gia đình có khoảng 28.000 thành viên, một giáo viên cấp 2 chia sẻ bí quyết chi tiêu với mức lương dưới 3 triệu đồng mỗi tháng, thu hút nhiều quan tâm.

15:59 12/10/2015

Bí quyết đi chợ thời bão giá với 100.000 đồng mỗi ngày

Xăng, điện rủ nhau tăng giá cùng thời điểm khiến cho không ít người có thu nhập trung bình và thấp đau đầu nghĩ phương án chi tiêu hợp lý, hiệu quả.

15:43 24/3/2015

Video liên quan

Chủ Đề