Cách nhận biết formol

TT - Formol là chất độc hại cấm dùng trong thực phẩm. Thế nhưng kiểm tra tại TP.HCM có 45% mẫu bánh phở, tại Hà Nội có 20% mẫu bánh phở - mì chứa chất này. Không chỉ thế, formol còn hình thành khi nướng, xông khói thực phẩm. Và đáng nói hơn, người ta dễ dàng mua formol ở chợ, còn cơ quan chức năng thì coi như bó tay!

Phóng to

Formol còn hình thành khi nướng thịt... - Ảnh: T.T.D.

Năm 2003, người tiêu dùng sốc trước thông tin gần như 100% mẫu bánh phở được kiểm tra có chứa formol - một loại hóa chất độc hại đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

Năm 2004 tỉ lệ này có chiều hướng giảm [khoảng 28%]. Sau một thời gian lắng xuống, đến năm 2005 tỉ lệ mẫu bánh phở được kiểm tra vọt lên 45% có chứa formol!

Thế nhưng formol lại không chỉ có trong bánh phở...

Mua bán tràn lan

Phóng toFormol công nghiệp và formol "tinh khiết" do Trung Quốc sản xuất mua tại chợ Kim Biên - Ảnh: Y.T.Để giải đáp những thắc mắc từ con số formol trong thực phẩm tăng trở lại, chúng tôi đã khảo sát một số nơi và nhận thấy việc mua bán hóa chất độc hại này vẫn diễn ra vô tư.

Sáng 11-1, trong vai một chủ quán ăn cần mua formol để cho vào bánh phở và bảo quản một số thức ăn, chúng tôi có mặt ở chợ Kim Biên [TP.HCM]. Không cần hỏi nhiều, chủ tiệm chúng tôi ghé đầu tiên cho biết 8.000 đồng/kg formol công nghiệp.

Nếu mua sỉ sẽ được giảm 1.000 đồng/kg. Sau khi chịu giá, cô bán hàng bảo chúng tôi chờ vì hàng không có tại chỗ. Năm phút sau, cô quay trở lại với bình formol đựng trong một can nhựa không nhãn hiệu. Cô chủ hàng còn giảng giải: Phở không có formol thì chỉ để từ sáng tới trưa là thiu. Khi tôi nhờ người bán hàng chỉ giúp kỹ thuật ướp formol sao cho máy test nhanh của thanh tra không phát hiện được thì cô nhiệt tình: Tôi không biết nhưng để tôi hỏi giùm cho...

Hà Nội: 20% mẫu mì, phở có formol

Gần 60% mẫu kiểm tra giò chả tại các chợ có chứa hàn the; hơn 20% số mẫu phở, mì có chứa formol; hạt dưa, ô mai lạm dụng nghiêm trọng phẩm màu công nghiệp. Đó là nhận xét sơ bộ của đoàn kiểm tra liên ngành [Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội] về vệ sinh an toàn thực phẩm tết bắt đầu từ tuần qua.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết tình trạng sử dụng hàn the, formol chẳng những không giảm mà còn gia tăng báo động. Tất cả những mẫu hạt dưa lấy trên các phố Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân đều sử dụng phẩm màu công nghiệp, thuộc danh mục chất cấm sử dụng vì ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Theo các chuyên viên đoàn kiểm tra, những loại giò chả càng được quảng cáo là giòn, dai càng dễ sử dụng hàn the để tạo cảm giác ngon miệng với người tiêu dùng.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Thương mại Nguyễn Đức Thịnh cho biết ngoài xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, cơ quan hữu quan sẽ công bố địa chỉ những cơ sở này trên báo chí.

Phóng toĐoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ngày tết - Ảnh: Mạnh TuấnMột cô chủ tiệm hóa chất khác trên đường Kim Biên ra giá: Ngày tết người ta mua nhiều, hút hàng nên formol lên giá 10.000 đồng/kg. Nhiều tiệm khác nhìn chúng tôi có vẻ nghi ngờ: Dân chuyên nghiệp mua mỗi lần trên chục ký không hà. Mua 2kg? Không bán!.

Tại khu chỉ được phép bán hóa chất dùng trong thực phẩm trên đường Vạn Tượng thì việc mua bán formol có vẻ cẩn thận hơn. Sau khi tiếp thị loại formol công nghiệp 12.000 đồng/kg và loại formol tinh khiết 35.000 đồng/chai, chị chủ gọi người mang hàng tới.

Đến một tiệm khác tôi hỏi mua formol để thí nghiệm. Không cần hỏi thêm mà cũng chẳng nghi ngờ, người bán hàng đi thẳng vào nhà lấy ra một bình nhựa loại nửa lít, trên bình chi chít tiếng Hoa [tuyệt nhiên không có một tiếng Việt nào] với giá 20.000 đồng/bình...

Ăn uống vô tư

Mấy năm trước đã có lúc người tiêu dùng lánh xa món phở. Để giữ khách, nhiều cửa hàng phải treo bảng: Phở không có formol!. Tuy nhiên, do formol không gây ngộ độc cấp tính nên chỉ được thời gian ngắn, nỗi sợ formol lại tan đi.

Hỏi một chủ tiệm phở khá lớn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời rất khó chịu: Có lúc báo chí làm rùm beng formol là chất ướp xác làm tôi muốn dẹp tiệm. Cuối cùng thì có gì xảy ra đâu?! Cả chục năm nay người ta ăn phở nhà tôi đâu có ai bị ngộ độc!. Trong khi đó, một thực khách khác thì: Tôi có đọc báo biết formol là chất độc. Nhưng ghiền ăn phở quá. Ăn đại. Mắt thường làm sao biết thứ nào có formol, thứ nào không. Sống chết có số hết hà!.

Nhiều thực khách của các xe phở lòng lề đường càng dễ chịu hơn. Anh T. - khách hàng thân thiết của quán phở trên lề đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - cho biết: Nhiều lúc đi làm về khuya, không biết ăn gì khác. Có lúc nghĩ thức ăn để bán khuya chắc chắn phải có chất bảo quản, nghĩ cũng ghê ghê. Nhưng, đói quá đành ăn.

Ngoài các quán phở, dù có cảnh báo về nguy cơ ăn thức ăn nướng, thức ăn hun khói có formol dẫn đến bệnh ung thư nhưng nhiều người vẫn không từ giã được món khoái khẩu của mình. Các làng nướng vẫn tấp nập khách. Có khách dù biết tác hại nhưng vẫn ăn vô tư. Nhiều thực khách làng nướng trên đường Cách Mạng Tháng Tám không biết trong thức ăn nướng có formol nhưng lại biết việc ăn nhiều đồ nướng có thể gây ung thư. Biết, nhưng ngon thì cứ ăn!.

Quản lý: bó tay!

Theo ông Ông Quang Thanh - đội trưởng đội quản lý thị trường 5B - formol không phải là hóa chất bị cấm mua bán nhưng là một hóa chất mua bán có điều kiện. Một số cơ sở, công ty có giấy phép vẫn được buôn bán formol.

Tuy gọi là mua bán có điều kiện nhưng thực chất chỉ mới bên bán có điều kiện. Còn bên mua không cần xuất trình bất kỳ thứ giấy phép, chứng nhận nào vẫn mua được formol. Một số nơi cẩn thận hơn có hỏi người mua về mục đích sử dụng nhưng nếu người mua nói dối thì người bán cũng chịu. Đây là một kẽ hở để những hóa chất này dễ dàng lọt vào thực phẩm.

Hiện nay, lực lượng chỉ kiểm soát chức năng, nguồn gốc hàng hóa tại các cơ sở bán. Trong khi việc mua bán hóa chất chưa có một qui định chặt chẽ về mặt pháp lý nên người mua sử dụng vào mục đích gì thì lực lượng không thể kiểm soát được. Thiết nghĩ, muốn quản lý tốt phải qui hoạch lại ngành hàng chặt chẽ hơn nữa. Cụ thể là chỉ có những công ty, cửa hàng có người đầy đủ chuyên môn mới được cấp phép buôn bán hóa chất. Còn người mua cũng phải có giấy chứng nhận mua hàng vì mục đích gì.

Thực phẩm nướng, hun khói cũng có formol

Chung quanh vấn đề một số loại thực phẩm có chất formol, BS Nguyễn Xuân Mai - viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng - cho biết:

- Formaldehyde [thường gọi là formol] là một chất sát khuẩn mạnh, được dùng dung dịch loãng trong nước [dung dịch 5%] để tẩy uế dụng cụ, mặt đất và môi trường bị nhiễm khuẩn, nấm mốc. Khi cho vào thực phẩm, formol ức chế các hoạt động và cũng có thể tiêu diệt một số vi sinh vật và vi nấm làm hư hỏng thực phẩm, kéo dài được thời gian bảo quản. Vì là chất sát khuẩn mạnh nên trong y học formol được dùng để ướp và bảo quản phủ tạng, xác chết, các bộ phận cơ thể động vật hay người để phục vụ nghiên cứu, học tập.

Theo Th.S Đào Mỹ Thanh - trưởng khoa vệ sinh an toàn thực phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, formol [formaldehyde] có độc tính khá cao, không cho phép sử dụng trong thực phẩm. Formol có tính chất cay nồng và hắc. Đặc biệt ảnh hưởng đến các giác quan: mắt, mũi, làm khô họng. Vì vậy, trong y học khi sử dụng formol để tẩy trùng, sát trùng đều được bảo hộ rất an toàn. Ăn nhầm hóa chất này có thể bị khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa, viêm loét dạ dày tá tràng, gây ung thư...          Đây là một chất độc nguy hiểm, làm cho thực phẩm khó ôi thiu nhưng lại rất khó tiêu hóa khi vào cơ thể, gây hiện tượng đầy bụng, no giả tạo. Trong cơ thể, formol kết hợp với các nhóm amin hình thành các dẫn xuất bền vững với các men phân hủy protein làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Nhiều thực nghiệm trên động vật đã chứng tỏ khi tiếp xúc lâu dài và liên tục formol có khả năng gây ung thư đường hô hấp [mũi, họng...].

Về vệ sinh an toàn thực phẩm, do tác hại lâu dài của formol và để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhiều nước trên thế giới đã nghiêm cấm việc dùng formol để làm chất bảo quản thực phẩm và đồ uống, kể cả thức ăn chăn nuôi gia súc ăn thịt. Người ta chỉ cho phép bảo quản các chất không để ăn uống nhưng cũng qui định rất nghiêm ngặt về giới hạn cho phép, và phải bảo đảm an toàn 100% cho môi trường sinh hoạt của con người.

Tổ chức Y tế thế giới [WHO] và Tổ chức Lương nông thế giới [FAO] đã qui định về danh sách các chất độc hại đối với thực phẩm của con người sử dụng và nghiêm cấm dùng các hóa chất đó để bảo quản thực phẩm - trong đó có formol thuộc nhóm độc hại C1, không an toàn nếu cho vào thực phẩm, nước chấm và đồ uống.

Tại nước ta, danh mục tiêu chuẩn vệ sinh lương thực, thực phẩm ban hành theo QĐ 867/1998 của Bộ Y tế cho phép 230 chất phụ gia được dùng cho thực phẩm, trong đó có 18 chất được sử dụng để bảo quản thực phẩm thì formol là chất bảo quản không ghi vào danh mục được phép sử dụng tại VN. Vì vậy khi kiểm tra phát hiện có chứa formol thì phải hủy sản phẩm và xử lý theo qui định.

Người tiêu dùng nên cảnh giác với formol do nhiều người sản xuất chủ động bỏ vào bánh phở. Tuy nhiên, cũng không quá hoang mang trước những thông tin như trong bia, mứt, thịt, nước chấm... có chứa formol. Hiện nay, chỉ một số ít trong các loại thực phẩm này có formol do người sản xuất chủ động cho vào mà thôi.

* Các làng nướng ra đời, nhiều người rất khoái khẩu với các món nướng. Nhưng có thông tin thực phẩm khi nướng cũng bị formol?

- Đúng. Dù không trực tiếp dùng formol để xử lý, nhưng trong một số thực phẩm xông khói thì formol có thể hình thành trong quá trình cháy không hoàn toàn của một số chất hữu cơ có trong than, củi. Vấn đề đặt ra là cần xác định giới hạn hàm lượng tối đa formol có trong các thực phẩm là bao nhiêu đủ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Một số quốc gia như Malaysia, Singapore đã qui định giới hạn này là 5mg/kg sản phẩm cho ba loại: thịt, cá và xúc xích hun khói.

Bình thường, formol đã có trong một số phản ứng với môi trường tự nhiên [nhưng hàm lượng không đáng kể]. Con người hít thở khí này trong môi trường tự nhiên đã quá tai hại rồi. Ở Việt Nam đã cấm dùng formol trong thực phẩm thì không có giới hạn hàm lượng nào hết.

Video liên quan

Chủ Đề