Cách mở đầu truyện kinh dị

Thông tin tác giả

Tham khảo     X

wikiHow là một trang "wiki", nghĩa là nhiều bài viết ở đây là nội dung của nhiều tác giả cùng viết nên. Để tạo ra bài viết này, 160 người, trong đó có một số người ẩn danh, đã thực hiện chỉnh sửa và cải thiện bài viết theo thời gian.

Có 14 thông tin tham khảo được trích dẫn trong bài viết này mà bạn có thể xem tại cuối trang.

Bài viết này đã được xem 15.934 lần.

Truyện kinh dị là một thể loại truyện cuốn hút cả người đọc cũng như người viết. Một truyện kinh dị hay sẽ khiến bạn rợn người, sợ hãi hoặc ám ảnh bạn trong những giấc mơ. Truyện kinh dị thành công hay không là phụ thuộc vào việc người đọc có đủ tin để khiếp hãi, rùng mình hay ghê sợ hay không. Một truyện kinh dị được xem là hay không hề dễ viết. Tuy nhiên, cũng như bất cứ thể loại hư cấu nào, bạn có thể nắm vững cách viết truyện kinh dị với một phương án đúng đắn, kèm theo đó là sự kiên trì và tập luyện.

Các bước

Phần 1 của 5:Hiểu về thể loại kinh dị

1Hiểu về bản chất chủ quan của thể loại truyện kinh dị. Cũng như truyện hài, truyện kinh dị là một thể loại khó viết, vì một yếu tố có thể khiến người này kinh hãi hoặc kêu thét lên lại có vẻ tẻ nhạt hoặc chẳng gây cảm giác gì đối với người khác. Tuy nhiên, cũng như truyện cười, nhiều truyện kinh dị hay đã được sáng tác bởi các bậc thầy của thể loại này.[1] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn  Tuy câu chuyện của bạn có thể không cuốn hút tất cả độc giả hoặc khiến họ sợ đến phát khóc, nhưng ít nhất vẫn có một người đọc sẽ có phản ứng sợ hãi với truyện của bạn.

Christopher Taylor, Trợ lý Giáo sư môn tiếng Anh, cho biết: "Các yếu tố chính của truyện kinh dị bao gồm sự sợ hại, tâm trạng hồi hộp, sự ngạc nhiên, và khoảnh khắc xuất hiện điềm báo trước."

2Đọc nhiều kiểu truyện kinh dị khác nhau. Làm quen với thể loại này bằng cách đọc các chuyện kinh dị điển hình, từ những truyện ma cổ xưa đến những truyện kinh dị đương đại. Nhà văn viết truyện kinh dị nổi tiếng Stephen King từng nói rằng, để làm một nhà văn thực thụ, bạn phải đọc và viết rất nhiều.[2] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn  Hãy nhớ lại những câu chuyện hoặc các truyền thuyết thành thị được kể quanh đống lửa trại khi bạn còn bé, hoặc những câu chuyện kinh dị giành được giải thưởng mà bạn từng đọc ở trường hoặc của chính bạn. Bạn có thể đọc một số truyện điển hình như:

  • Bàn tay khỉ, một tác phẩm của William Wymark Jacobs kể về ba điều ước được một bàn tay khỉ huyền bí ban cho.
  • Trái tim thú tội, một truyện ngắn của nhà văn bậc thầy về thể loại kinh dị Edgar Allen Poe, viết về đề tài rối loạn tâm thần, giết người và ám ảnh.[3] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn
  • Nếu biết tiếng Anh, bạn có thể tìm xem cuốn The Case of Four and Twenty Blackbirds của Neil Gaiman, dựa trên ý thơ của một bài thơ dành cho thiếu nhi.[4] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn
  • Bạn đừng bỏ qua những tác phẩm của ông hoàng truyện kinh dị Stephen King. Ông đã viết hơn 200 truyện ngắn và dùng nhiều kỹ thuật viết khác nhau để khiến người đọc phải rùng mình sợ hãi. Trong số các truyện kinh dị hay nhất của ông[5] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn , bạn có thể chọn đọc truyện The Moving Finger [tạm dịch: Ngón tay][6] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn  hoặc The Children of the Corn [Những đứa trẻ của đồng ngô] để hiểu về phong cách viết của Stephen King.
  • Nhà văn đương đại Joyce Carol Oates cũng có một truyện kinh dị nổi tiếng nhan đề là Where Are You Going, Where Have You Been? [tạm dịch: Cô đang đi đâu, cô đã ở đâu?] sử dụng nỗi sợ hãi tâm lý để tạo hiệu ứng tuyệt vời.[7] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn
  • Các truyện kinh dị hiện đại không theo chuẩn mực như Chiếc găng tay màu trắng của Stephen Milhauser sử dụng thể loại kinh dị để kể về quá trình phát triển tâm lý và tình cảm của một nhân vật chính.

3Phân tích các truyện kinh dị. Chọn một hoặc hai truyện mà bạn thích hoặc cảm thấy thú vị trong  cách họ sử dụng bối cảnh, cốt truyện, nhân vật hoặc nút thắt trong câu chuyện để gây kinh hãi hoặc khiếp sợ. Ví dụ:

  • Trong truyện Ngón tay, King đặt tiền đề cho câu chuyện: một người đàn ông cho rằng mình nhìn thấy và nghe thấy tiếng một ngón tay người cào trên tường trong phòng tắm, sau đó ngón tay bám sát ông trong khoảng thời gian ngắn khi ông cố gắng trốn tránh nó, cho đến khi ông buộc phải đối mặt với nỗi sợ của mình. King cũng sử dụng các yếu tố khác như trò đố vui Jeopardy trên truyền hình và cuộc đối thoại của nhân vật chính với vợ để tạo cảm giác hồi hộp và rùng rợn.
  • Trong truyện Cô đang đi đâu, cô đã ở đâu?, Oates xây dựng nhân vật chính, một cô gái trẻ tên là Connie, với việc mô tả cảnh cuộc sống hàng ngày của cô gái, sau đó tả cận cảnh ngày định mệnh của cô, khi hai người đàn ông đi xe hơi đến trong lúc Connie chỉ có một mình trong nhà. Oates sử dụng đoạn đối thoại để gây cảm giác sợ hãi và khiến người đọc hình dung nỗi sợ ngày càng dâng cao của Connie trước sự đe dọa của hai kẻ kia.
  • Trong cả hai câu chuyện, cảm giác kinh dị hoặc khiếp hãi được tạo ra qua sự kết hợp của nghệ thuật gây sốc và nỗi sợ hãi khi sử dụng các yếu tố siêu nhiên [ngón tay người cắt rời biết cử động] và yếu tố gây xáo động tâm lý [cô gái trẻ một mình đối mặt với hai người đàn ông].

Phần 2 của 5:Tạo ra các ý tưởng trong truyện

1Nghĩ về những điều khiến bạn phải rùng mình hoặc sợ hãi nhất. Chạm vào nỗi sợ mất đi người thân, sợ cô đơn, bạo lực, sợ chú hề, ma quỷ hoặc thậm chí sợ những con sóc sát thủ. Nỗi sợ của bạn sau đó sẽ hiện lên trang giấy, và trải nghiệm sợ hãi hoặc hành trình khám phá nỗi sợ của bạn cũng sẽ truyền sang cho người đọc.[8] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

  • Liệt kê một danh sách những điều mà bạn sợ hãi nhất, sau đó tưởng tượng xem bạn sẽ phản ứng như thế nào khi lâm vào hoàn cảnh đó hoặc buộc phải đương đầu với những nỗi sợ.
  • Bạn cũng có thể mở cuộc thăm dò xem người thân, bạn bè hay bạn đời của bạn sợ điều gì nhất. Thu thập thêm những ý tưởng chủ quan của từng người về nỗi sợ hãi.

2Chọn một tình huống bình thường và tạo ra một yếu tố kinh dị. Một cách xử lý khác là quan sát các tình huống bình thường xảy ra hàng ngày như đi dạo trong công viên, cắt một miếng hoa quả hoặc đến thăm một người bạn, sau đó thêm vào đó một yếu tố rùng rợn hoặc kỳ dị. Chẳng hạn như bạn bất ngờ nhìn thấy một cái tai người bị cắt rời trong khi đi dạo, miếng hoa quả cắt ra bỗng biến thành một ngón tay hoặc một chiếc xúc tu, hoặc khi bạn đến thăm một người bạn cũ thì người bạn đó không hề biết bạn là ai hoặc khẳng định rằng bạn là một người hoàn toàn khác.[9] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

  • Sử dụng trí tưởng tượng để tạo ra tình tiết kinh dị trong các hoạt động hoặc khung cảnh bình thường hàng ngày.

3Sử dụng bối cảnh để giới hạn hoặc giam hãm các nhân vật trong truyện. Một cách để tạo nên tình huống đáng sợ với người đọc là hạn chế khả năng di chuyển của nhân vật, buộc họ phải đối mặt với nỗi sợ và cố gắng tìm đường thoát thân.[10] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

  • Nghĩ về những dạng không gian hẹp khiến bạn sợ hãi. Bạn sẽ sợ hãi nhất khi rơi vào nơi nào?
  • Giam hãm nhân vật trong một không gian hạn chế như một hầm rượu, một cỗ quan tài, một bệnh viện bị bỏ hoang, một hòn đảo, hoặc một thị trấn hoang phế. Điều này sẽ tạo nên xung đột trực tiếp hoặc khiến nhân vật hoảng sợ và tạo nên không khí căng thẳng hoặc hồi hộp cho câu chuyện.

4Để cho các nhân vật tự hạn chế sự di chuyển của họ. Có thể nhân vật của bạn là người sói, và vì không muốn làm hại ai trong kỳ trăng tròn kế tiếp, nhân vật này đã tự nhốt mình trong hầm rượu hoặc trong phòng. Có thể nhân vật của bạn kinh sợ một ngón tay bị cắt rời trong phòng tắm. Ông ta tìm đủ mọi cách để tránh vào phòng tắm cho đến khi ngón tay kia ám ảnh đến mức cuối cùng ông ta buộc phải vào phòng tắm để đối diện với nó.[11] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

5Đẩy cảm xúc của người đọc lên tột cùng. Cảm giác sợ hãi xoay quanh phản ứng chủ quan của người đọc, vì vậy câu chuyện phải khơi gợi những cảm xúc cực kỳ mãnh liệt ở người đọc, bao gồm:

  • Sốc: Cách đơn giản nhất là tạo ra cú sốc với cái kết đảo ngược tình huống, một hình ảnh xuất hiện đột ngột hoặc một khoảnh khắc khiếp hãi. Tuy nhiên, việc gây sợ bằng hiệu ứng sốc có thể khiến truyện kinh dị của bạn trở thành câu chuyện hù dọa rẻ tiền. Nếu bị lạm dụng, cách này sẽ khiến người đọc dễ đoán hoặc không đủ sợ.
  • Hoang tưởng: Cảm giác có một điều gì đó không đúng có thể làm rối trí người đọc, khiến họ nghi ngại về thế giới xung quanh. Khi được sử dụng với hiệu quả tối đa, nó sẽ khiến người đọc hoài nghi cả những niềm tin và những ý niệm của họ về thế giới. Nỗi sợ hãi kiểu này rất hiệu quả đối với những truyện kinh dị tâm lý và những truyện mà sự căng thẳng được đẩy lên dần dần.
  • Lo sợ: Đây là kiểu sợ hãi trước một điều xấu sắp xảy ra. Cách này khá hiệu nghiệm khi người đọc kết nối sâu sắc với câu chuyện và bắt đầu quan tâm đến các nhân vật đủ để cảm nhận được nỗi sợ hãi trước một hiểm họa sắp xảy ra. Khơi gợi cảm giác sợ hãi ở người đọc là một việc không đơn giản, đòi hỏi nhiều nỗ lực để cuốn người đọc vào câu chuyện, nhưng nó sẽ tạo nên nỗi sợ mãnh liệt.
  • Tạo sự cân bằng giữa các cảm xúc tiêu cực cực độ với các cảm xúc tích cực cực độ.[12] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

6Sử dụng những chi tiết rùng rợn để tạo ra yếu tố kinh dị hoặc khiếp hãi. Stephen King cho rằng có nhiều bí quyết để tạo cảm giác rợn người hoặc sợ hãi trong truyện, từ đó gây ra các phản ứng khác nhau từ người đọc.[13] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

  • Sử dụng các chi tiết ghê rợn như một cái đầu bị cắt lìa lăn xuống các bậc thang, một vật thể nhầy nhụa xanh rờn bám vào cánh tay bạn, hoặc một nhân vật rơi vào một vũng máu.
  • Sử dụng những chi tiết trái tự nhiên [hay nỗi sợ về những điều không biết hoặc không có thật] như những con nhện khổng lồ có kích thước bằng con gấu, sự tấn công của các xác sống, hoặc bộ móng vuốt của người ngoài hành tinh chộp vào bàn chân bạn trong phòng tối.
  • Sử dụng các chi tiết tâm lý sợ hãi, chẳng hạn như một nhân vật trở về nhà với một phiên bản của một con người hoàn toàn khác, hoặc một nhân vật trải qua những cơn ác mộng trong tình trạng tê liệt, và từ đó tác động đến cảm giác của họ về hiện thực.

7Xây dựng cốt truyện. Khi đã tìm được một tiền đề hoặc kịch bản cũng như bối cảnh, bạn hãy quyết định mức độ mãnh liệt của cảm xúc mà bạn sẽ tạo ra, kiểu thức của các chi tiết gây sợ hãi mà bạn sử dụng trong truyện và phác thảo nét chính của truyện.

  • Bạn có thể sử dụng sơ đồ kim tự tháp Freytag[14] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn  để xây dựng bộ khung của cốt truyện, bắt đầu bằng việc mô tả bối cảnh và cuộc sống hoặc một ngày của [các] nhân vật, tiếp đó chuyển sang tình huống xung đột của nhân vật [một ngón tay bị cắt lìa trong bồn tắm, hai người đàn ông trong xe hơi], tiến tới phát triển xung đột, khi nhân vật cố gắng xử lý hoặc chống chọi với sự xung đột nhưng lại có các vật cản và tình huống không lường được nảy sinh, tiếp theo là đạt đến cao trào, sau đó hạ xuống với hành động giảm dần, cuối cùng là kết thúc khi nhân vật thay đổi, chuyển biến [hoặc trong một số truyện kinh dị] là cái chết khủng khiếp.
  • Hãy nghĩ ra một tiêu đề ngắn mà có thể ám chỉ sự kinh dị trong câu chuyện của bạn.

Phần 3 của 5:Xây dựng các nhân vật

1Khuyến khích người đọc quan tâm hoặc nhận diện nhân vật chính. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách giới thiệu những chi tiết rõ ràng, miêu tả thói quen, các mối quan hệ và góc nhìn của nhân vật.[15] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

  • Chọn tuổi tác và nghệ nghiệp của nhân vật.
  • Chọn tình trạng hôn nhân hoặc mối quan hệ của nhân vật.
  • Chọn cách nhìn nhận của họ về thế giới [hoài nghi, bi quan, lo âu, vô tư lự, mãn nguyện, chín chắn].
  • Bổ sung các đặc điểm hoặc các chi tiết độc đáo. Tạo một nhân vật đặc sắc với nét tính cách hoặc dấu hiệu nào đó [kiểu tóc, vết sẹo] hoặc một đặc điểm thuộc ngoại hình [một món trang phục, trang sức, một chiếc tẩu thuốc hoặc cây ba toong]. Lời nói của nhân vật hoặc cách sử dụng phương ngữ cũng có thể tạo nét riêng cho nhân vật trên trang giấy và khiến nhân vật nổi bật trong mắt người đọc.
  • Một khi đã được nhận diện, nhân vật đó sẽ như một đứa con của người đọc. Họ sẽ đồng cảm và ủng hộ nhân vật, mong cho nhân vật vượt qua xung đột, mặc dù họ biết rằng điều này sẽ khó xảy ra.
  • Sự căng thẳng giữa mong muốn của người đọc và sự bất trắc có thể xảy ra sẽ tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện và kích thích người đọc xem hết truyện.

2Sẵn sàng cho những điều xấu xảy ra với nhân vật. Hầu hết những truyện kinh dị mô tả nỗi sợ hãi và bi kịch cùng với khả năng hoặc không có khả năng vượt qua nỗi sợ của họ. Một câu chuyện mà trong đó những người tốt sẽ gặp điều tốt có thể làm ấm lòng người đọc, nhưng điều đó thường không gây cảm giác sợ hãi hoặc rùng rợn. Thực ra, việc để cho bi kịch xảy ra với những người tốt không chỉ khơi gợi sự đồng cảm của người đọc mà còn tạo không khí căng thẳng và hồi hộp cho câu chuyện.[16] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

  • Để tạo xung đột trong cuộc sống của nhân vật, bạn cần miêu tả mối nguy hiểm hoặc sự đe dọa đối với nhân vật, dù đó là một ngón tay rời biết cử động, hai người đàn ông trong xe hơi, một bàn tay khỉ huyền bí hoặc một chú hề sát nhân.
  • Ví dụ, trong truyện Ngón tay, tác giả King đã mô tả nhân vật chính Howard là một người đàn ông trung niên thích xem chương trình đố vui Jeopardy trên truyền hình, có mối quan hệ tốt với vợ và một cuộc sống đàng hoàng của giới trung lưu. Nhưng King đã không để cho người đọc quá thoải mái với cuộc sống bình thường của Howard khi mô tả âm thanh tiếng cào trong phòng tắm của nhân vật chính. Sự phát hiện ra ngón tay và những nỗ lực của Howard để tránh né, loại trừ hoặc hủy diệt nó đã khiến cuộc sống dường như bình thường và dễ chịu của người đàn ông bị xáo trộn bởi một lực lượng huyền bí hoặc không có thật.

3Cho phép nhân vật mắc lỗi hoặc quyết định sai lầm. Khi đã xây dựng mối đe dọa hoặc hiểm nguy mà nhân vật phải đối mặt, tiếp đó bạn cần cho nhân vật phản ứng sai lầm mà cứ tưởng rằng mình đang có động thái đúng hoặc quyết định đúng trước hiểm họa.[17] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

  • Điều quan trọng ở đây là phải tạo ra động cơ của nhân vật đủ để biện minh cho quyết định sai lầm của họ thay vì khiến người đọc chỉ thấy đó là quyết định ngu ngốc hoặc khó tin. Một cô giữ trẻ hấp dẫn và còn trẻ phản ứng trước một kẻ sát nhân bịt mặt không phải bằng cách chạy đến máy điện thoại để gọi cảnh sát mà lại lao ra ngoài và chạy vào rừng sâu tối mịt không chỉ nói lên hành động ngu ngốc của nhân vật mà còn là chi tiết khó thuyết phục đối với người đọc hoặc người xem.
  • Nhưng nếu bạn cho nhân vật của mình ra một quyết định có vẻ hợp lý để phản ứng với nỗi sợ thì cho dù quyết định đó có sai sót, người đọc vẫn sẵn sàng tin và ủng hộ nhân vật.
  • Ví dụ, trong truyện Ngón tay, đầu tiên Howard quyết định không nói với vợ về chuyện ngón tay vì ông nghĩ rằng mình bị ảo giác hoặc nhầm tiếng động với tiếng chuột hay tiếng một con vật nào đó mắc kẹt trong phòng tắm. Trong truyện, quyết định không nói với ai của Howard được giải thích bằng cách phản ứng của phần lớn mọi người khi chứng kiến một sự việc lạ thường hoặc kỳ dị: đó không phải là thật, chỉ là mình đã tưởng tượng ra thôi.
  • Sau đó tác giả biện minh cho phản ứng của Howard bằng cách cho vợ của ông bước vào phòng tắm và không nói gì về sự tồn tại của ngón tay. Như vậy, tác giả sử dụng góc nhìn hiện thực của Howard và ám chỉ rằng có thể ông chỉ có ảo giác về ngón tay đó.

4Đặt cược cho nhân vật một cách rõ ràng và tột cùng. "Tiền cược" của một nhân vật trong truyện là cái mà nhân vật sẽ mất đi khi họ có một quyết định hoặc lựa chọn nào đó. Nếu nhân vật của bạn không biết rủi ro trước mắt mình là gì, họ sẽ không có cảm giác sợ mất mát. Một truyện kinh dị hay sẽ sử dụng nghệ thuật đẩy những cảm xúc như sợ hãi và hồi hộp ở người đọc lên mức tột cùng thông qua việc tạo nên cảm xúc tột cùng ở các nhân vật.

  • Nỗi sợ hãi được xây dựng trên nhận thức về hậu quả của hành động được gán cho nhân vật hoặc sự mạo hiểm trong hành động của họ. Vì vậy, nếu nhân vật của bạn quyết định đối mặt với chú hề trong gác mái hoặc hai người đàn ông trong xe hơi, người đọc sẽ phải hiểu rằng nhân vật có thể mất đi điều gì vì quyết định đó. Tốt hơn nữa, sự mạo hiểm của nhân vật nên được đặt cược bằng những thứ quan trọng hoặc khắc nghiệt, ví dụ như mất đi sự tỉnh táo, sự vô tội, mất mạng sống của mình hoặc mạng sống của người thân.
  • Trong truyện của King, nhân vật chính sợ rằng nếu ông đương đầu với ngón tay, có thể ông sẽ mất đi sự tỉnh táo. Tiền cược dành cho nhân vật trong câu chuyện là rất cao và rõ ràng với người đọc. Như vậy, khi cuối cùng Howard đương đầu với ngón tay, người đọc sẽ rất lo sợ về sự mất mát có thể xảy ra cho Howard.

Phần 4 của 5:Tạo ra cao trào kinh dị và cái kết đảo ngược

1Điều khiển người đọc nhưng không làm họ bối rối. Người đọc có thể bối rối hoặc sợ hãi, nhưng bạn không nên khiến họ có cả hai cảm giác đó. Nghệ thuật đánh lừa hoặc dẫn dắt người đọc thông qua những điềm báo, những thay đổi trong tính cách của nhân vật hoặc tiết lộ về điểm quan trọng của cốt truyện đều có thể tạo nên sự hồi hộp và lo âu hoặc sợ hãi ở người đọc.[18] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn [19] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

  • Dẫn dắt đến cao trào kinh dị của truyện bằng cách cung cấp các manh mối hoặc các chi tiết nhỏ, chẳng hạn như chiếc nhãn dán trên chai mà sau đó trở thành vật hữu ích dành cho nhân vật chính, hoặc một âm thanh trong phòng mà sau đó báo hiệu sự xuất hiện của một thứ gì đó bất thường, thậm chí một khẩu súng đã nạp đạn để trong gối mà sau đó sẽ nổ hoặc được nhân vật chính sử dụng.
  • Tạo không khí căng thẳng bằng cách chuyển từ khoảnh khắc hồi hộp hoặc kỳ lạ sang khoảnh khắc tĩnh lặng, khi nhân vật có thể hít một hơi, lấy lại bình tĩnh và cảm thấy an toàn trở lại. Sau đó bạn cần gia tăng căng thẳng bằng cách đưa nhân vật trở lại tình huống xung đột, tiếp tục đẩy xung đột lên mức khủng khiếp hoặc đáng sợ.
  • Trong truyện Ngón tay, King đã xử lý điều này bằng cách cho Howard hoảng sợ vì ngón tay, sau đó khá bình tĩnh khi nói chuyện với vợ trong lúc nghe chương trình đố vui trên truyền hình và vẫn nghĩ về ngón tay, tiếp đó ông cố gắng tránh né hình ảnh đó bằng cách đi dạo. Howard bắt đầu cảm thấy an toàn hoặc đinh ninh rằng ngón tay đó chỉ là ảo ảnh, nhưng tất nhiên là khi ông mở cửa phòng tắm ra thì ngón tay vẫn còn đó, thậm chí mọc dài hơn và cử động còn nhanh hơn trước.
  • King đã dần dần xây dựng sự căng thẳng cho cả nhân vật lẫn người đọc bằng cách giới thiệu mối đe dọa, sau đó đưa ra điềm báo cho phần còn lại của câu chuyện. Là người đọc, chúng ta biết rằng ngón tay là dấu hiệu của một điềm xấu hoặc tai họa, và bây giờ chúng ta đang ở trong vị trí quan sát Howard đang cố gắng tránh né, rồi cuối cùng đương đầu với hiểm họa này.

2Đưa cái kết đảo ngược vào truyện. Một cái kết đảo ngược được viết tốt trong truyện kinh dị có thể tăng tính hiệu quả hoặc đem lại thành công cho truyện. Vì vậy, điều quan trọng ở đây là tạo một cái kết bất ngờ thắt lại các đầu mối rời rạc trong sự xung đột của nhân vật, nhưng vẫn phải để lại một câu hỏi lớn lơ lửng nhằm kích thích trí tưởng tượng của người đọc.[20] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

  • Có thể bạn muốn tạo một cái kết có hậu đối với người đọc, nhưng cái kết không nên quá tròn trịa và êm thắm khi để cho nhân vật thoát khỏi tình huống mà không hề còn lại chút cảm giác bất an nào.
  • Bạn có thể cho nhân vật trải qua khoảnh khắc nhận ra sự xung đột hoặc biết cách giải quyết sự xung đột. Sự tiết lộ phải là kết quả của những chi tiết tích tụ lại trong truyện và không nên gây khó chịu cho người đọc hoặc có vẻ được lựa chọn ngẫu nhiên.[21] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn
  • Trong truyện Ngón tay, khoảnh khắc nhận thức rõ của Howard xảy ra khi ông biết rằng ngón tay đó có thể là điềm báo về một điều xấu hoặc không ổn trong thế giới này. Và khi cảnh sát đến bắt ông vì lời phàn nàn của người hàng xóm về tiếng ồn, ông đã hỏi viên cảnh sát một câu hỏi cuối cùng trong chương trình đố vui nằm trong chủ đề không thể giải thích. Tại sao những điều khủng khiếp đôi khi lại xảy ra với những người tốt bụng nhất? Howard hỏi. Sau đó viên cảnh sát quay lại mở bồn cầu, nơi Howard giữ ngón tay bị cắt, và đánh cược hết trước khi mở bồn cầu để xem điều chưa biết hoặc không thể giải thích.
  • Cái kết này khiến người đọc tò mò tự hỏi rằng viên cảnh sát sẽ nhìn thấy gì, và liệu ngón tay đó là thật hay chỉ là sự tưởng tượng của Howard. Như vậy, đây là một cái kết mở, không quá bất ngờ hoặc gây hoang mang cho người đọc.

3Tránh sáo mòn. Cũng như bất cứ thể loại nào, truyện kinh dị cũng có những mô típ cũ kỹ và sáo mòn mà người viết nên tránh nếu muốn sáng tác một truyện kinh dị đặc sắc và lôi cuốn. Từ những hình ảnh như chú hề loạn trí trên gác mái đến cô giữ trẻ ở nhà một mình trong đêm đến những cụm từ quen thuộc như Chạy! hoặc Đừng nhìn lại đằng sau!, sự sáo mòn khá là khó tránh trong thể loại này.[22] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

  • Tập trung tạo nên một câu chuyện có nỗi sợ của riêng bạn. Hoặc bạn có thể sửa đổi một mô típ kinh dị quen thuộc cho khác đôi chút, chẳng hạn như một con ma cà rồng thích ăn bánh thay vì hút máu, hoặc một người đàn ông bị nhốt trong thùng rác thay vì quan tài.
  • Nhớ rằng quá nhiều cảnh máu me và bạo lực có thể làm giảm hiệu quả gây sợ hãi, đặc biệt nếu hình ảnh vũng máu lặp đi lặp lại trong truyện. Tất nhiên, một chút máu me là yếu tố tốt và thường là cần thiết trong truyện kinh dị. Nhưng bạn chỉ nên sử dụng máu ở những đoạn có ảnh hưởng và có ý nghĩa khiến người đọc rùng mình thay vì gây nhàm chán và chai lì cảm xúc.[23] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn
  • Một cách khác để tránh sáo mòn là tập trung hơn vào việc miêu tả tâm trạng bối rối và bồn chồn của nhân vật thay cho những hình ảnh máu me hoặc các vũng máu. Những ký ức về hình ảnh thường không đọng lại lâu trong tâm trí người đọc, nhưng sự tác động của những hình ảnh đó lên nhân vật sẽ gây cảm giác rờn rợn dai dẳng cho người đọc. Vì vậy, bạn đừng nhắm vào trí tưởng tượng của người đọc mà nên tập trung gây xáo động trong tâm trí họ.[24] X Nguồn nghiên cứu Đi tới nguồn

Phần 5 của 5:Đọc lại và chỉnh sửa bản thảo

1Phân tích cách sử dụng ngôn ngữ của bạn. Đọc lại bản thảo đầu tiên và chú ý những câu có các tính từ, danh từ và động từ trùng lặp. Có thể bạn thích tính từ đỏ để miêu tả một chiếc váy hoặc một vũng máu. Nhưng các tính từ như đỏ thẫm, đỏ bầm, đỏ thắm có thể đem lại sắc thái cho ngôn từ và chuyển một cụm từ quen thuộc như một vũng máu đỏ thành một cụm từ sinh động hơn như một vũng máu đỏ thẫm.

  • Tra từ điển đồng nghĩa và thay thế những từ trùng lắp bằng các từ đồng nghĩa để tránh một từ hoặc một cụm từ lặp đi lặp lại trong truyện.
  • Đảm bảo sử dụng ngôn ngữ hợp với giọng điệu của nhân vật. Một cô gái mới lớn sẽ dùng từ ngữ khác với một người đàn ông trung niên. Việc tạo ra lời thoại hợp với cá tính và cách nhìn của nhân vật sẽ khiến nhân vật có tính thuyết phục hơn.

2Đọc truyện thành tiếng. Bạn có thể đọc truyện trước gương hoặc trước một nhóm người mà bạn tin cậy. Thể loại truyện kinh dị bắt nguồn từ những câu chuyện truyền miệng về ma quỷ để dọa mọi người khi ngồi quanh đống lửa trại. Vì vậy, việc đọc truyện thành tiếng sẽ giúp bạn xác định liệu câu chuyện có được phát triển dần dần và vững chắc hay không, nó có đủ hiệu ứng sốc, hoang tưởng hoặc đáng sợ không, và các nhân vật của bạn có quyết định sai lầm cho đến khi họ buộc phải đương đầu với nguồn gây xung đột hay không.

  • Nếu truyện có sử dụng nhiều đoạn hội thoại, khi đọc to lên, bạn sẽ biết liệu đoạn hội thoại nghe có tự nhiên và thuyết phục không.
  • Nếu truyện của bạn có cái kết đảo ngược, việc ước lượng phản ứng của người đọc bằng cách quan sát nét mặt khán giả sẽ giúp bạn biết phần kết truyện có hiệu quả không, hay là bạn cần phải tiếp tục làm việc thêm.

Cảnh báo

  • Tránh xào nấu lại các nội dung đã có bản quyền hoặc các truyện đã được xuất bản; nếu không, hành vi của bạn sẽ được xem là đạo văn.

Những thứ bạn cần

  • Giấy và bút chì hoặc bút mực, máy đánh chữ hoặc máy vi tính với chương trình xử lý văn bản như  Microsoft Word.
  • Từ điển và từ điển đồng nghĩa.

Hiển thị thêm

Chủ Đề