Cách mạng Tháng 8 có tính chất khởi nghĩa gì

Nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Hội nghị Trung ương 8 của Ðảng họp từ ngày 11 đến 19-5-1941, tại Cao Bằng. Ðây là Hội nghị Trung ương đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì, cùng với đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và các Ủy viên Thường vụ Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt tham gia. Nghị quyết của Hội nghị là bước điều chỉnh lớn về chiến lược và sách lược cách mạng, khi đặt vấn đề hoàn toàn mới là căn cứ vào tình hình, đặc điểm của cách mạng Ðông Dương lúc ấy mà xác định tính chất của cách mạng là giải phóng dân tộc. Cách mạng tư sản dân quyền đặt vấn đề dân tộc trong vấn đề giai cấp. Cách mạng dân tộc giải phóng đặt vấn đề giai cấp trong vấn đề dân tộc. Ðây là bước đột phá về đổi mới tư duy chiến lược và sách lược của Ðảng. Cách tiến hành cách mạng đã được Hội nghị Trung ương 8 vạch ra là khởi nghĩa vũ trang và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh tại Hội nghị này đã đẩy cuộc cách mạng đến thắng lợi vào Tháng Tám 1945.

Chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản, chỉ thị nhằm tiến hành cách mạng bảo đảm thắng lợi hoàn toàn. Một cuộc vận động cách mạng rộng lớn diễn ra suốt từ bắc vào nam. Cơ hội giải phóng đã đến. Nếu không giành lấy cơ hội này để hành động, thì sẽ mất cơ hội. Tư tưởng này đã được quán triệt trong toàn Ðảng và trong Mặt trận Việt Minh.

Từ năm 1940 đến 1945, quân Nhật đã nhảy vào Ðông Dương, trong khi đó, quân Pháp vẫn còn nguyên vẹn. Tình hình Ðông Dương từ năm 1940 đến 1945 hết sức căng thẳng. Cách mạng Ðông Dương lúc này còn phụ thuộc một phần vào thắng lợi của cách mạng thế giới trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ðứng trước mối nguy cơ của Chiến tranh thế giới thứ hai và sự biến đổi phức tạp của tình hình chính trị, Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã làm gì? Câu trả lời là, đã làm hết sức mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Trung ương ra chỉ thị củng cố nội bộ Ðảng, vì trong những năm 1942, 1943, Ðảng bị khủng bố dữ dội, rất nhiều đảng viên của Ðảng đã bị kẻ thù tàn sát, hàng trăm người bị đánh đến tàn phế, không hoạt động được, hàng nghìn người khác bị giam chặt trong các nhà tù của đế quốc. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với Ðảng trong lúc này là phải đẩy mạnh công tác phát triển Ðảng, gấp rút huấn luyện, đào tạo cán bộ; củng cố và mở rộng Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc khác.

Năm 1944 là năm nhân dân ta tiến sát đến cao trào cách mạng mới. Ðó là lúc Trung ương phải gấp rút chuẩn bị bước vào một trận chiến đấu mới. Trận chiến đấu này sẽ rất quyết liệt. Chủ trương của Ðảng Cộng sản Ðông Dương trong lúc này, một mặt, xây dựng lực lượng chiến đấu; mặt khác, mở rộng mặt trận ngoại giao để tiến công địch bằng quân sự và ngoại giao, lấy quân sự làm chủ yếu.

Ngày 7-5-1944, Tổng Bí thư Trường Chinh viết bản "Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa". Chỉ thị nhận định rằng: "Nếu phát-xít Ðức ngã quỵ ở châu Âu thì phát-xít Nhật sẽ mất hết vây cánh". Tại Ðông Dương, Nhật sửa soạn truất quyền Pháp và cho bọn Việt gian phản quốc lập chính phủ bù nhìn. Chỉ thị kết luận: "Chúng ta phải biết nắm lấy cơ hội ngàn năm có một đặng giành quyền độc lập, đuổi kịp năm châu". "Tình thế không cho phép chúng ta chậm chạp nữa. Hãy tích cực sửa soạn khởi nghĩa đặng bẻ xiềng, tháo ách cho dân tộc". Sự thật thì đến tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Như vậy, Ðảng ta đã dự báo trúng tình hình trước mười tháng.

Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Thực hiện Chỉ thị, ngày 22-12-1944, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, ra đời tại một khu rừng ở Nguyên Bình, Cao Bằng [nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hòa An].

Vào một ngày đầu tháng 3-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh nhận được tin Toàn quyền Ðông Dương Ðờ-cu bị phái chóp bu quân Nhật gọi vào Sài Gòn "có việc cần" và giữ ông ta ở luôn trong đó. Nhật phát đạn và lương thực dự trữ cho binh sĩ trong mười ngày. Binh sĩ Pháp cũng có dấu hiệu trong tình trạng báo động. Tổng Bí thư Trường Chinh nhận định: "Cái nhọt bọc" đã đến lúc phải "vỡ mủ".

Không chậm trễ, Tổng Bí thư Trường Chinh quyết định triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương Ðảng mở rộng họp từ ngày 9 đến 12-3-1945, tại chùa Ðồng Kỵ [chùa Tây Am] thuộc làng Còi, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh [nay là xã Ðồng Quang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh]. Hội nghị diễn ra vào đúng ngày Nhật đảo chính Pháp [9-3-1945]. Hội nghị nhất trí thông qua Chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo.

Chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" là một văn kiện lịch sử. Nó ra đời đúng vào thời điểm khởi đầu một giai đoạn mới, sẽ mở ra bước ngoặt lịch sử nước ta. Chỉ thị ra đời thúc đẩy thời cơ nghìn năm có một của một dân tộc vùng lên quật cường.

Cùng với Chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" là Hiệu triệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào cả nước vùng lên chống xâm lược bằng các hình thức như khởi nghĩa, biểu tình, thị oai, bãi công, bãi thị, bãi khóa, phá đường giao thông, kho tàng, đánh đồn, chặn bàn tay xâm lược lại, không cho họ tác oai, tác quái. Toàn dân tuốt gươm, chĩa súng, giết giặc, trừ gian, dựng cổng chào "Việt Nam độc lập, tự do". "Toàn bộ công tác của Ðảng phải nhằm vào mục đích gấp tiến tới khởi nghĩa. Giờ quyết liệt đang lại. Cơ hội tốt sắp đến rồi. Ai đã đau đớn, ê chề vì nhà tan mất nước, ai đã bị giặc Nhật lừa dối, phỉnh phờ, hãy kíp chạy vào hàng ngũ cách mạng" [1].

Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ họp ngày 15-4-1945, quyết nghị chung những vấn đề bố trí quân sự trên phạm vi toàn quốc nhằm tiến tới tổng khởi nghĩa. Ý nghĩa của hội nghị mang tính toàn quốc.

Khởi nghĩa nổi lên rầm rộ trong cả nước. Khởi nghĩa Ba Tơ, nổ ra ngày 1-3-1945. Một cuộc biểu tình thị uy lớn nổ ra ở các tỉnh chung quanh khu vực đường số 5 vào ngày 11-3-1945. Từ Lạng Sơn đến Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Ðông, Hà Nội, Nam Ðịnh, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, khắp các nẻo đường miền trung vào đến Sài Gòn, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ, đâu đâu cũng dấy lên không khí chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân với ý chí của người dân mất nước đấu tranh để giành lại nước. "Lá cờ dân tộc giải phóng đang phấp phới bay trên các chiến khu" [2].

Tình hình diễn ra rất nhanh. Ngày 13-8-1945, Nhật đầu hàng Ðồng minh. Nhận được tin này, lập tức, Trung ương Ðảng, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân. Vào lúc 11 giờ đêm, ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra lệnh tổng khởi nghĩa.

Giữa lúc cao trào cách mạng đang hăng hái trong cả nước, ngày 14-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp. Tiếp đó, Ðại hội đại biểu quốc dân họp trong hai ngày 16 và 17-8-1945, cũng tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, thể hiện sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Ðông Dương trước thời cuộc và thể hiện ý chí của nhân dân trong lộ trình đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc mình.

Thủ đô Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi vào ngày 19-8-1945.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Ðình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập", tuyên bố trước toàn thế giới về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra kỷ nguyên mới, độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong cuốn "Cách mạng Tháng Tám", Tổng Bí thư Trường Chinh đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Ðông Dương. "Nếu không có Ðảng Cộng sản Ðông Dương và Mặt trận Việt Minh, thì cách mạng sẽ chuyển sang một tình thế khác". Khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân. Không có nhân dân làm lực lượng khởi nghĩa chủ yếu, cách mạng không thể thành công. Có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là chuẩn bị về đường lối, nghệ thuật, tổ chức, tất cả đều chính xác. Cách mạng nổ ra đúng lúc, chớp thời cơ mau lẹ. Nắm bắt tình hình quốc tế nhanh nhạy để có sự đối phó kịp thời. Tính chất, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Quy luật của Cách mạng Tháng Tám là từ nông thôn về thành thị, lấy nông thôn làm căn cứ địa, thành thị đóng vai trò quan trọng.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, con thuyền cách mạng đã vượt qua thác ghềnh, xốc tới, giành thắng lợi.

[1] Cuộc đảo chính của Nhật ở Ðông Dương, báo "Cờ Giải phóng", số 11, ngày 25-3-1945.

[2] Tân Trào [Trường Chinh]: Hạnh phúc cách mạng, báo "Cờ Giải phóng", số 14, ngày 28-6-1945.

PGS, TS ÐỨC VƯỢNG

Video liên quan

Chủ Đề