Cách kiểm soát cảm xúc tức giận

Giận dữ là một cảm xúc hết sức bình thường và lành mạnh, nhưng khi vượt qua khỏi kiểm soát, bạn có thể đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng trong các mối quan hệ, sức khỏe và tình trạng tinh thần. Sau đây là một số lời khuyên để giúp bạn đối phó với những cơn giận dữ một cách hiệu quả và lành mạnh.

Hãy chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo và yếu tố kích hoạt sự giận dữ của bạn

Khi bạn tức giận, cơ thể của bạn sẽ có một số dấu hiệu cảnh báo. Bạn hãy nhận biết các dấu hiệu cảnh báo cơn giận của riêng mình và thực hiện các bước để kiểm soát sự tức giận trước khi nó vượt quá tầm kiểm soát.

Khi bạn tức giận, một số phản ứng thể chất có thể bao gồm:

  • Siết chặt tay hoặc hàm;
  • Thở nhanh hơn;
  • Cần đi bộ xung quanh;
  • Nhức đầu;
  • Không thể tập trung;
  • Tim đập mạnh;
  • Căng vai.

Nhận biết nguyên nhân cơn giận của bạn

Bạn có thể giữ bình tĩnh trong một số tình huống khó khăn, nhưng cũng có khi bạn phải tranh luận với người khác về một vài điều gì đó ngớ ngẩn và nhỏ nhặt như việc phục vụ mang đồ ăn trễ 10 phút hoặc bạn quên mang theo ô và trời bắt đầu mưa. Dù điều đó có là gì đi chăng nữa thì thực tế vẫn là việc bạn nhanh chóng cảm thấy khó chịu và giận giữ. Trong trường hợp này, bạn nên tự hỏi bản thân mình Điều gì khiến mình thực sự tức giận? Xác định được lý do thực sự sẽ giúp bạn đối mặt với cơn tức giận hiệu quả hơn. Khi bạn nhận ra vấn đề không đáng kể và không cần phải tức giận về điều đó, cuối cùng sự tức giận của bạn sẽ được nguôi ngoai.

Tránh xa những suy nghĩ tiêu cực

Nếu sự tức giận của bạn dường như vượt khỏi tầm kiểm soát, cách tốt nhất là bạn hãy thoát khỏi tình huống đó trong vòng vài phút, tìm cách để giữ bình tĩnh bằng cách đếm từ 1 đến 10 và thậm chí 100 cho đến khi nguôi giận. Những hoạt động như tập gym, đi bộ trong công viên hoặc nghe những bản nhạc yêu thích sẽ giúp bạn bình tĩnh lại, và sau đó xử lí tình huống tốt hơn.

Thở thật sâu

Hơi thở chậm không chỉ làm chậm nhịp tim mà còn làm cho bạn bình tĩnh hơn. Khi bạn đang ở trong tình trạng tức giận hỗn loạn, bạn nên thở thật sâu. Người ta khuyên rằng bạn nên hít thở sâu từ cơ hoành, không phải hít thở nông từ lồng ngực. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng để điều chỉnh tâm trạng. Nhiều người đã cảm thấy khá hơn khi chọn loại hình thể dục chú ý đến cách thở như tập yoga.

Tìm những cách lành mạnh để trút giận

Thay vì kêu gào, la hét hay quát tháo, có rất nhiều cách giúp bạn trút sự tức giận mà không làm tổn thương chính mình về thể chất và tinh thần. Không phải lúc nào bạn cũng có thể kiểm soát được tình huống và cách nó tác động đến cảm xúc, nhưng bạn có thể kiểm soát cách mà bạn thể hiện nó như thế nào. Viết nhật ký là một trong những hoạt động có thể giúp ích cho việc này.

Viết nhật ký cho phép bạn sống chậm lại và suy nghĩ về cách thức bạn muốn đáp lại, vì vậy bạn sẽ đáp ứng chứ không phải là phản ứng lại. Bạn cũng nên thử nói chuyện với ai đó mà bạn tin tưởng bởi có thể họ sẽ tác động và giúp bạn bình tĩnh lại.

Nếu sự giận dữ của bạn vẫn tăng lên ngay cả khi bạn đã thực hiện các phương pháp kiểm soát, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ. Hơn nữa, bạn có thể tìm gặp các nhà trị liệu hoặc tham gia vào các lớp học và chương trình dành cho những người muốn kiểm soát sự giận dữ. Bạn nên nhắc nhở mình rằng yêu cầu được giúp đỡ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối.

Chủ Đề