Cách đi xe máy qua campuchia

Cách du lịch Campuchia bằng xe máy

Tôi có 1 tháng để chuẩn bị cho chuyến du lịch Campuchia bằng xe máy của mình, trước khi đi vài ngày, tôi stress nặng đến nỗi gần như là mất ngủ vì sợ hãi. Bạn biết tôi sợ gì không? Tôi mường tượng trong đầu rằng đi du lịch Campuchia bằng xe máy nếu lỡ gặp công an thì họ sẽ hốt xe của mình về đồn không thương tiếc, tôi sợ hải quan Campuchia không cho tôi qua biên giới, tôi lúng túng vì trình độ tiếng Anh của mình chưa thể nói chuyện và giao tiếp với ai nhiều, và tôi cũng sợ nốt nạn bắt cóc tống tiền, buôn bán nội tạng, việc sử dụng súng tự do của người Campuchia mà người ta vẫn đồn…Tóm lại là, mọi thứ cứ dồn dập tới, khiến tôi mất ngủ liên miên mấy ngày, và rồi tôi cũng phải dùng thuốc ngủ trước chuyến đi…Nhưng cuối cùng, chuyện gì đến rồi cũng phải đến, đến ngày thì vẫn phải đi, và thế là tôi lên đường với trái tim trần trụi. Lần này, tôi khám phá Campuchia bằng xe máy, nhưng không phải là chiếc xe máy của mình, mà đó là chiếc xe máy của một người bạn đi cùng tôi. Chúng tôi lên đường!

Xem thêm: Khăn thổ cẩm Tây Bắc Xem thêm: Túi thổ cẩm du lịch Tây Bắc Xem thêm: Khăn rằn Nam Bộ

Xem thêm: TOP 13 điều cần phải học thuộc lòng trước khi đi du lịch bụi ở Campuchia

Xem thêm: Phượt Lào 1 lần, tôi tởm luôn 1 đời

Đi qua biên giới như thế nào?

Ở miền Nam Việt Nam, bạn có thể vượt qua 3 cửa khẩu để sang Campuchia bằng xe máy: Cửa khẩu Tịnh Biên [An Giang], cửa khẩu Hà Tiên [Kiên Giang] và cửa khẩu Mộc Bài [Tây Ninh]. Tôi từng đem xe máy của mình qua 2 cửa khẩu Hà TiênTịnh Biên.

Việc di chuyển qua cửa khẩu cực kỳ dễ dàng, không khó như người ta vẫn nghĩ. Khi đến cửa khẩu, hải quan Việt Nam sẽ chặn mình lại và hỏi:

Hải quan Việt Nam: Em đi đâu đó!!

Tôi: Em qua Campuchia dạo chút thôi!

Hải quan Việt Nam: Không được, ở đây không cho người khác qua

Tôi: Em có Passport mà!

Hải quan Việt Nam: Ồ, thế thì được, vào phòng xuất cảnh làm thủ tục đi!

Phòng xuất cảnh Việt Nam thì niềm nỡ lắm, họ làm việc nhanh gọn lẹ 1 phút 30 s là đã xong rồi, ở phòng xuất cảnh Việt Nam mình không cần phải đóng phí gì hết.

Xong rồi, di chuyển qua cửa khẩu là đến Campuchia, bạn phải vào phòng hải quan của Campuchia để làm thủ tục nhập cảnh tiếp, mấy ông này rành tiếng Việt lắm, vừa thấy mình là mấy ổng:

Hải quan Campuchia: Đi đâu?

Tôi: Đi dạo dạo ở Campuchia chơi!

Hải quan Campuchia: Đưa tay vào máy để quẹt [quẹt để lấy dấu vân tay đó các bạn, trông cứ như nạn nhân giết người không bằng, quẹt cả 10 ngón làm dơ hết ngón tay của mình!!!]

Hải quan Campuchia: Đưa cái đầu vào cái máy để chụp hình, rồi tôi cũng đưa đầu vào máy để nó chụp. Dù là chụp hình gì thì tôi vẫn muốn cười cho nó đẹp, thế là một nụ cười nỡ niềm nộ với ông hải quan đó!!!

Hải quan Campuchia: Đóng tiền!!!

Phí nhập cảnh sẽ khác nhau giữa các cửa khẩu, ở cửa khẩu Tịnh Biên phí là 20,000VNĐ, ở cửa khẩu Hà Tiên phí là 50,000VNĐ, ở cửa khẩu Mộc Bài phí là 50,000VNĐ.

Và thế là xong, mọi thứ trót lọt, gần như là bạn đã đi qua được Campuchia rồi, thế là giờ tôi và chiếc xe máy sẽ phiêu lưu đến tận cùng thế giới!

Xem thêm: Mua đồ đi phượt online

Thủ tục mang xe máy sang Campuchia

Việt Nam được miễn visa Campuchia, vì vậy thủ tục mang xe máy sang Campuchia cũng cực kỳ dễ, bạn chỉ cần mang theo Passport và cái thân là đủ.  Bên Campuchia có nhiều ngân hàng trong nước như Ngân hàng Sacombank, ngân hàng ANZ, nếu bạn có thẻ ngân hàng này, có thể đem theo rút tiền. Các loại giấy tờ còn lại như chứng minh, bằng lái ở Việt Nam [đem theo hờ thôi, chứ đi qua nước họ có xài được đâu mà 🙁 nếu có bằng lái quốc tế càng tốt, còn không có bằng lái quốc tế, khi gặp công an giao thông ở Campuchia, cứ trình Passport và thêm 10$ là họ cho qua hết]

Đổi tiền và mua sim ở cửa khẩu

Tại cửa khẩu đều có các bà cô giúp đổi tiền và bán sim số. Sim số Campuchia là sim Metfone, cũng là mạng của Viettel bên Campuchia, giá 1 sim là 100,000VNĐ. Tôi khuyên bạn không nên mua sim, vì mua tốn tiền mà sim Metfone nó yếu lắm, qua đó vô mạng không được gì [như cái sim ở hình dưới, mình mua test rồi]

Sim Metfone Campuchia

Nếu bạn đang xài Viettel, bạn có thể đăng ký chuyển vùng quốc tế theo cú pháp CVQT gửi 138, muốn vô mạng thì qua biên giới rồi bật mạng dữ liệu di động, chọn mạng dữ liệu di động, chọn mạng tự động là được. Như vậy, nếu đi du lịch ở Campuchia mấy ngày thì người thân, bạn bè, khách hàng ở Việt Nam gọi đến số của bạn, bạn vẫn nghe được, còn nếu bạn đang ở Campuchia, bạn muốn gọi về Việt Nam thì cứ thêm +84 và bỏ số 0 đằng trước. Ví dụ số của tôi là +84974756114 ,còn mua sim Metfone, thì họ không liên lạc cho bạn được, làm kinh doanh như vậy là mất khách, tội lỗi lắm 🙁

Còn vụ đổi tiền nữa, bạn nên đổi tiền $ hoặc Riel, tôi khuyên bạn nên đổi ra hết tiền $ cho dễ sử dụng và không bị mất giá, 1 $=4000 Riel, đổi ra hết $ để về Việt Nam còn xài được. Có thể đổi vài nghìn tiền Riel để sử dụng, nhưng dân Campuchia họ xài tiền $ nhiều lắm, bạn an tâm đi!

Xem thêm: Review sách Nhắm Mắt Đi Liều kể về hành trình xuyên Việt 1 năm bằng xe máy của Xu Kiên Xem thêm: Mua sách Nhắm Mắt Đi Liều kể về hành trình xuyên Việt 1 năm bằng xe máy của Xu Kiên

Cách di chuyển bằng xe máy từ cửa khẩu Mộc Bài sang Phnom Penh

Đi Phnom Penh, bạn có thể tham khảo cách đi như sau:

Từ trung tâm Sài Gòn=>Trường Chinh=> QL22=>Ngã 3 Gò Dầu => Quẹo trái đi cửa khẩu Mộc Bài => Qua cửa khẩu, bạn chạy thẳng theo Route Nationale 1, cứ thẳng con đường đó là đến Phnom Penh.

I: ĂN, CHƠI, Ở TẠI PHNOM PENH

Nên ở khách sạn nào ở Phnompenh?

Phnompenh là thủ đô của Campuchia, theo kinh nghiệm du lịch bụi Phnompenh của tôi, tôi nghĩ việc tìm chỗ ở là không khó. Tôi thì tôi thường chú ý đến việc tiết kiệm khi đi du lịch, bởi vậy mà tôi luôn tìm các homestay hoặc hostel giá rẻ ở Campuchia để ở.

Lần này, tôi ở Aura Thematic Hostel, cái Hostel này ở đường số 19, TP Phnompenh. Sở dĩ tôi chọn chỗ này vì nó nằm khá gần cung điện hoàng gia, bạn có thể di chuyển tham quan Cung điện hoàng gia cách đó có 300m.

Một chỗ ở trong 1 homestay Phnom Penh mà tôi đã ở

Aura Thematic Hostel khá đẹp, chất lượng phục vụ của nó khá ổn, đặc biệt, họ có cung cấp luôn bữa sáng cho khách du lịch. Tại Aura Thematic Hostel, có rất nhiều kiểu phòng: phòng bình dân với mức giá chỉ 5$ cho đến phòng VIP với mức giá cao hơn. Tôi thấy dù bình dân hay VIP thì nó đều giống chung 1 chỗ, chỗ ở này rất sạch sẽ và thoáng đoãng!

Xem thêm: Nên ở khách sạn nào ở Phnom Pênh? Tại sao không chọn Aura Thematic Hostel?

Tôi chọn Aura Thematic Hostel và bắt đầu khám phá Campuchia theo cách của mình!. Ngoài Hostel này, bạn cũng có thể nghiên cứu thêm các homestay hoặc hostel khác mà tôi hướng dẫn dưới đây!

Link đặt phòng: Aura Thematic Hostel

Link đặt phòng: Borey Villa Toulsangke

Link đặt phòng: #172 River 1 Hostel, Pnongpenh

Link đặt phòng: Nordic House Guesthouse

Link đặt phòng: Rachana Hostel       

Link đặt phòng: Pu Rock Hostel

Link đặt phòng: Asia Hotel

Nên ở khách sạn nào ở Phnompenh? Đó, cả nùi khách sạn, hostel mà tôi đã giới thiệu, bạn sẽ tìm được 1 hostel theo ý mình thôi. Ngoài ra, nếu như bạn muốn tiết kiệm chi phí nữa, bạn cũng có thể tiết kiệm nốt tiền ở bằng cách mang lều từ Việt Nam sang để cắm, hoặc tìm chỗ ở miễn phí ở Campuchia. Tham khảo thêm bài viết Hướng dẫn tìm chỗ ở miễn phí ở Campuchia mà tôi đã viết nhé!

Ngoài những khách sạn, hostel ở trên, bạn có thể tham khảo thêm các khách sạn Campuchia đẹp và đẳng cấp khác. Đặt phòng khách sạn ở Campuchia TẠI ĐÂY

Du lịch Phnompenh nên chơi ở đâu?

Ở Phnompenh, bạn có rất nhiều nơi để đi chơi, từ những chỗ sang chảnh cho đến chỗ bụi bặm đều có, sau đây sẽ là một vài gợi ý cho bạn.

Khách sạn Nagaworld

Nagaworld là khách sạn lớn nhất và là casino đẳng cấp nhất Campuchia, vào khách sạn này bạn sẽ bị choáng ngợp bởi độ hoàng tộc, quý phái của nó. Vì sao tôi lại hướng dẫn bạn đi vào đây, trong khi bạn đang muốn đi bụi? bởi vì ở trong khách sạn này có casino, bạn có thể trải nghiệm chơi đánh bài ở sòng bạc lớn nhất Campuchia, trải nghiệm này thực sự rất thú vị, bạn nên thử!

Sự hào nhoáng của khách sạn Nagaworld

Xem thêm: Những điều cực kỳ thú vị ở khách sạn 5 sao Nagaworld

Cung điện hoàng gia Campuchia

Đến Campuchia, đừng bỏ qua Cung điện hoàng gia. Phí vào cổng là 10$ nhưng bạn được chiêm ngưỡng nhiều thứ hay lắm. Cung điện hoàng gia trước kia là nơi sinh hoạt của nhà vua, ngày nay vua không ở trong đó nữa, nó trở thành nơi tham quan cho khách du lịch.

Vào cung điện hoàng gia, nhớ bận đồ nghiêm trang một chút, mấy ả bánh bèo bận đồ trên đầu gối, trễ vai là phải tốn thêm 3$ để mua miếng vải che người đó!

Cung điện hoàng cung đẹp nhất ở nơi vua triệu kiến quần thần, chỗ này toàn bộ được giác vàng, loáng bóng, nhìn vào nó sướng con mắt ghê gớm.

Cung điện hoàng gia Campuchia

Trong cung điện hoàng cung, có 1 gốc cây rửa tội, gốc cây này khá thú vị, bạn rửa nước ở gốc cây này là mọi điều xui xẻo sẽ được loại bỏ, chỗ này rất linh thiêng.

Ngoài ra, trong cung điện hoàng cung còn có rất nhiều ngôi đền theo kiến trúc Campuchia, gần cổng ra có cả những bức ảnh của hoàng gia Campuchia.

Chùa Bạc

Chùa Bạc nằm trong khu quần thể cung điện hoàng gia, chùa Bạc là một ngôi chùa khá rộng, đơn sơn tẩm nhẹ nhàng hơn so với cung điện hoàng cung. Chùa bạc trưng bày một vài hiện vật của người Cam.

Chùa Bạc

Chùa Bà Pênh

Ngôi chùa linh thiêng, sự tích kể rằng, xưa kia có 1 người phụ nữ tên Pênh, bà khá giàu, sống ở lưu vực Sông Mê Kông, sau 1 lần, bà nhặt được 1 gốc cây có 4 bức tượng. Nhận thấy đây là điềm tốt nên bà bằng đem lên một quả đồi để thờ. Người dân Campuchia gọi quả đồi là Phnom, và để nhớ công lao của bà Pênh mà dân Campuchia đã lập đền thờ bà. Ngày nay, thủ đô Campuchia cũng mang tên bà là Phnom Penh.

Chùa Bà Pênh

Để vào chùa bà Pênh, bạn tốn phí là 1$, tôi thì tôi bất ngờ, vì chùa mà vào cũng tốn phí thì thua. Nhưng đây có lẽ là chính sách du lịch của người Cam chăng? Nên nếu muốn vào đây tham quan thì phải tốn thêm tiền nhé.

Còn nữa, chùa này khá linh thiêng, cầu gì cũng được miễn đừng cầu duyên, cầu duyên không thành đâu nha [người Campuchia nói vậy]

Chợ Mới

Chợ Mới là chợ bạn có thể lựa chọn các mặt hàng lưu niệm của Campuchia, chợ này cũng giống với chợ Bến Thành của Việt Nam, tuy nhiên, chợ này thách giá ghê lắm. Đi chợ này, nhớ ghé vài quán chè ở phía đằng sau ăn cho thỏa, chè ở đây là chè Khmer, nó rất khác với những quán chè bình thường, tôi nghĩ là bạn nên thử.

Chợ Mới Campuchia

Ngoài ra, chợ Mới còn có bán rất nhiều khăn rằn Campuchia – loại khăn truyền thống của người Campuchia, bạn có thể mua khăn tại chợ này.

Đi chợ Mới nhớ thách giá, bạn nên trả giá thấp hơn 50% so với mức giá họ đã đưa ra. Ví dụ họ bảo món đồ đó trị giá 10,000Riel thì trả 5000 Riel thôi để không bị hố nhé!

Nhà tù Tungsleng Campuchia

Nếu đã thử tìm hiểu về du lịch Campuchia rồi thì chắc chắn bạn cũng sẽ biết đến tập đoàn Pôn Pốt, mà tập đoàn này cũng xuất hiện trong sách lịch sử hồi xưa mình học cấp 3 rồi nè. Vô trong nhà tù Tungsleng, bạn tốn phí là 8$, với mức giá này, bạn có thể đi tham quan hết nhà tù. Họ sẽ đưa cho bạn một bộ đàm nghe câu chuyện được người thuyết minh bằng tiếng Việt, ở mỗi địa điểm đều có đánh số thứ tự và mỗi số thứ tự sẽ có một câu chuyện riêng.

Nhà tù Tungsleng

Vào nhà tù Tungsleng cảm thấy khó thở lắm, vì nhìn những hình ảnh người dân bị Pôn Pốt giết hại, cảnh tượng bị đập búa vào đầu, hoặc bị cắt lưỡi giết rất rùng rợn. Nhà tù có đến 3 khu, mỗi khu được chia ra làm 2 lầu, mỗi lầu có đến hàng chục căn phòng để nhốt phạm nhân thời đó. Vào nhà tù này bạn sẽ cảm thấy thương sót cho số phận người Campuchia!

Cánh đồng chết

Nhà tù Tungsleng chính là nơi hành quyết, giết hại những sinh mạng tội nghiệp thì cánh đồng chết chính là nơi vứt xác của các nạn nhân này. Ngày xưa, sau khi Pôn Pốt giết xong, hàng ngày người ta chở đến 2 chuyến xe tải chất xác người đem đến đây vứt.

Trước tầng tháp 17 tầng

Cánh đồng chết cách trung tâm Phnompenh 15km, bạn có thể di chuyển ra ngoài đó để hiểu một vài câu chuyện đáng thương ở nơi này.

Giá vào cánh đồng chết là 6$, trong này người ta cũng trang bị một bộ đàm cho mình nghe hiểu hết những câu chuyện.

Tôi không nhớ chỗ đó là số bao nhiêu, nhưng tôi nhớ về gốc cây chỗ này có một câu chuyện đáng thương. Nơi này chính là nơi vứt xác của hàng triệu trẻ em và phụ nữ. Trẻ em, sau khi mang đến đây mà chưa chết thì binh lính Pôn Pốt sẽ đập đầu vào gốc cây này cho nó chết, còn phụ nữ sau khi hãm hiếp xong thì sẽ giết và vứt xác ở nơi này!!!

Gốc cây nơi đã chôn bao nhiêu mạng của trẻ em và phụ nữ thời Pôn Pốt

Ở cánh đồng chết, thậm chí bạn còn nghe được cả mùi tanh của máu, nó càng kinh tởm hơn khi bước đến tháp 17 tầng – nơi trưng bày rất nhiều đầu lâu, xương cốt của những người đã khuất. Đến đây, bạn sẽ không thể nào kìm được nước mắt, vì cảm thấy một quá khứ quá đau buồn của người dân Campuchia!

Tháp 17 tầng ở cánh đồng chết

Quảng trường hữu nghị Việt Nam – Campuchia

Ngày xưa, quân Việt Nam mang quân sang để giải cứu dân Campuchia, đánh Pôn Pốt, vì vậy mà người dân Campuchia lập nên tượng đài này để thể hiện tình cảm đoàn kết giữa hai bên. Nơi đây khá rộng rãi, buổi tối bạn ra đây có thể chơi các trò đá banh, chạy nhảy.

Quảng trường hữu nghị Việt Nam-Campuchia

Ở đây thực sự chưa phát triển du lịch, vì khá ít người, rất rộng như đường Nguyễn Huệ nhưng lại không có nhiều trò chơi như ở Việt Nam mình, có lẽ một vài năm nữa, nơi đây phát triển du lịch thì nó thực sự là một điểm chơi đêm lý tưởng!

Sông 4 mặt

Sông 4 mặt cực kỳ đẹp vào lúc bình minh, vào buổi sáng, bạn nên đến đây sớm để nhìn thấy ánh mặt trời bắt đầu ló nhụ. Bình minh trên sông 4 mặt bình yên dễ sợ, chỗ này cũng không thu phí của bạn, nên bạn có thể ăn chơi thoải mái.

Bình minh trên sông 4 mặt Chỗ này rất dễ sống ảo

Kinh nghiệm ăn uống ở Phnompenh

Đây là bài hướng dẫn cách đi phượt Campuchia bằng xe máy, vì vậy mà bạn có thể dùng xe máy của mình để luồng lách đến mọi địa điểm của Campuchia, kể cả việc tìm kiếm chỗ ăn cũng như thế.

Theo kinh nghiệm ăn uống ở Phnompenh của tôi, bạn nên tìm một quán ăn ngon ở Campuchia hơn là tìm những món ăn ngon ở Phnompenh, vì nếu tìm được 1 quán ăn ngon, coi như bạn đã trải nghiệm hầu hết các món ẩm thực của Campuchia.

Thức ăn ở Tipsy ngon không thể diễn tả được Bia Angkor nên uống khi ăn cùng hải sản

Lúc tôi đến, tôi chọn quán Tipsy, ở ngay bờ hồ sông 4 mặt. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết Ẩm thực  đường phố ở PhnomPenh Campuchia – Ăn xong muốn ăn luôn cả người nấu! của tôi nhé!

Quán Tipsy thu hút rất đông khách du lịch và giới trẻ Campuchia vì quá ngon

Tipsy là một quán hải sản theo kiểu Campuchia, đồ ăn ở đây ngon muốn lộn ruột, bởi vậy mà sau khi ăn ẩm thực ở đây, bạn muốn ăn luôn cả người nấu như tiêu đề mà tôi đã viết!

II. ĂN, CHƠI, Ở TẠI SIEM REAP

Cuộc hành trình của tôi và cô bạn chưa dừng lại ở đó, sau khi đã ăn chơi thỏa mãn ở PhnomPenh, chúng tôi di chuyển về Siem Reap – kinh đô cũ của người Campuchia.

Cách du lịch Campuchia bằng xe máy từ PhnomPenh sang Siem Reap cũng khá dễ dàng, sau khi di chuyển ra khỏi thành phố, bạn đi theo quốc lộ 6, đi thẳng theo hướng Kampong Thom là đến Siem Reap.

Đường đi đến Siem Reap

Đường đi ở Campuchia dễ làm người ta sốc lắm, làng đường dành cho xe ô tô luôn cao hơn làng đường dành cho xe máy và đi bộ. Bởi vậy mà tôi và cô bạn di chuyển  khá khó khăn. Ở đây đi buổi tối thì tôi nghĩ dễ té dập họng lắm, chẳng hiểu sao người Campuchia lại làm đường kiểu như vậy, gần đến thủ đô và TP của tỉnh lại thấy những con đường như vậy nên chán chường!

Đường đi từ Phnompenh sang Siem Reap khá đẹp, bạn sẽ đi qua những ngôi nhà của người Cam, cảnh vật ở đây cũng khá yên bình. Nhà người Cam được làm theo lối nhà sàn, xây thành 2 lầu, giống hệt nhà miền Tây sông nước của Việt Nam.

Nhà của người Campuchia xây giống như nhà sàn

Chúng tôi đi qua khá nhiều ngôi nhà, nhưng đến gần tỉnh KamPong Thom thì mới thật sự thấy cảnh đẹp, mùa tôi đi là vào tháng 7, vì vậy mà hoa sen nở rộ khắp nơi, chúng tạo thành một cảnh vật đẹp như trong mơ. Campuchia là quê hương của cây Thốt Nốt, vì vậy mà dọc đường, bạn sẽ bắt gặp những rừng nốt xanh tươi thăm thẳm. Khung cảnh ở đây thật quá lý tưởng cho những ai mê chụp hình.

Mùa sen ở Kampong Thom Từ Phnom Penh đi theo hướng KamPong Tham là đến Siem Reap

Du lịch Siem Reap nên ở đâu?

Siem Reap có rất nhiều homestay cho bạn lựa chọn, tôi chọn Boutique Dormitory Kochi-ke để ở, bạn có thể xem bài viết Review homesay Boutique Dormitory Kochi-ke của tôi nhé!

homesay Boutique Dormitory Kochi-ke

Ngoài homestay trên, bạn cũng có thể lựa chọn những homestay mà tôi gợi ý dưới đây!

Link đặt phòng: The Siem Reap Countryside Homestay

Link đặt phòng: Siem Reap Khmer House

Link đặt phòng: Homestay Chreav

Link đặt phòng: Angkor Homestay

Link đặt phòng: Honesty Homestay            

Đi du lịch Siem Reap Campuchia các địa điểm ưa thích nào cần lưu ý?

Theo kinh nghiệm du lịch Siem Reap của tôi, Siem Reap không có quá nhiều nơi ăn chơi như ở Phnom Penh. Các địa điểm ăn chơi ở Siem Reap cũng khá xa nhau, vì vậy mà bạn rất tốn thời gian khi đi du lịch bằng xe máy ở Siem Reap. Vì vậy, tôi chỉ gợi ý cho bạn 2 địa điểm yêu thích mà tôi đã đi trong chuyến du lịch Campuchia bằng xe máy.

Quần thể Angkor Siem Reap

Angkor là khu quần thể kiến trúc cực kỳ đặc biệt của Siem Reap, Siem Reap thu hút khách du lịch cũng vì ở đây có Angkor.

Ngoài khu Angkor Wat

Angkor chính là vương quốc của người Khmer xưa, nếu chịu khó tìm hiểu lịch sử một chút bạn sẽ biết, đế quốc Angkor rất rộng lớn, lãnh thổ còn được lấn sang cả Thái Lan, Myanmar, Từ miền Trung đến miền Nam Việt Nam…

Gốc cây ở Taprohm

tham quan Angkor là 37$/ ngày, ngoài ra còn có phí tham quan 3 ngày là 60$, vé 7 ngày là 72$.

Quên nữa, chỗ bán vé và chỗ tham quan cách xa nhau lắm, vì vậy đừng đi thẳng vào chỗ tham quan nhé, đọc kỹ bài viết Kinh nghiệm du lịch Angkor tự túc bằng xe máy của tôi để biết thêm thông tin này!

Vẻ đẹp của Angkor

Angkor rất rộng lớn, bao gồm có Angkor Wat, Angkor Thom, Ta Prohm, Ta Keo và nhiều địa điểm khác. Vì nó quá rộng lớn nên sẽ rất khó để tham quan được hết Angkor chỉ trong 1 ngày, tùy vào chi phí du lịch Campuchia của bạn mà bạn có thể lựa chọn vé tham quan theo ý mình.

Đường đi trong khu Angkor

Biển Hồ

Biển Hồ hay còn gọi là Tonle Sap, là nơi mưu sinh của cộng đồng người Việt sinh sống tại Campuchia, nơi đây đẹp và nên thơ, tựa giống như miền Tây của Việt Nam.

Điểm nổi bật nhất của Biển Hồ là những ngôi nhà lụp xụp của đồng bào Việt Nam trên biển nước, dân ở đây sinh sống bằng nghề bắt cá, chài lưới…

Biển Hồ

Vô Biển Hồ, bạn có thể nhờ người ta chở bằng thuyền đi tham quan du lịch, mức giá tham quan ở Biển Hồ là 15$/ người, nếu bạn đi 2 người thì họ lấy bạn 20$/ 2 người.

Các ngôi chùa ở Siem Reap

Ngoài ra, Siem Reap còn có khá nhiều ngôi chùa cổ đẹp. Trong những ngôi chùa này cũng được trưng bày đầu lâu từ thời Pôn Pốt, nếu không có dịp tham quan cánh đồng chết ở Phnompenh thì đến Siem Reap nhớ ghé vào những ngôi chùa để tìm hiểu thêm.

Một ngôi chùa ở Siem Reap

Pub Street

Pub Street là khu phố Tây của người Campuchia, nó giống hệt với khu phố Tây của Bùi Viện ở Quận 1, TPHCM. Ở đây khá sôi động vào buổi tối, giới trẻ Campuchia giao lưu với nhau bằng âm nhạc, đứng từ một góc của nhà hàng nào đó trong Pub Street, bạn có thể nhìn ra ngoài đường, rồi ăn những món ăn cực ngon đến từ Siem Reap.

Pub Street ban đêm

Angkor Night Market

Đây là chợ mới mở ở Siem Reap, chỗ này giống hệt với những khu chợ của Việt Nam. Bán toàn đồ du lịch, ở chợ này bạn có thể ăn một vài ly kem, cách làm kem ở đây khá độc đáo khiến tôi bị thu hút.

Kem ở Angkor Night Market

Món ăn đường phố Siem Reap

Ở Siem Reap, đồ ăn không đa dạng như ở Phnom Penh, hơn nữa, quán ăn ở đây không ngon như Phnom Penh. Đặc biệt, đồ ăn quanh chợ Angkor Night Market cực dỡ, vì vậy nếu đến đây, bạn đừng nên ăn ở những quán ăn  này nhé.

Món ăn đường phố Campuchia

Ăn gì ở Siêm Reap? Đến Siem Reap, nên tìm các món ăn như: Hủ tiếu Nam Vang, cá sốt, kiến xào thịt bò, cơm lam…

Cách di chuyển bằng xe máy từ Siem Reap về Việt Nam

Để di chuyển bằng xe máy từ Siem Reap về Việt Nam, trên Google Maps họ sẽ chỉ đường đi khoảng 621km, nhưng tôi có cách di chuyển nhanh hơn, rút gọn còn 500km, cụ thể đường đi như thế này:

Cách 1: Đường 500km về tới Việt Nam từ Siem Reap

Đường Sok San Road – ra QL6 – chạy thẳng suốt tới đoạn dẫn lên cầu Prek Tamak [chú ý quan sát bảng chỉ dẫn], chạy trên QL6 khoảng 4h -4h30 sẽ tới khu vực này [nếu chạy 60 -80km] thì chạy theo hướng dẫn để lên cầu – qua cầu là tới QL8 [chỗ chúng tôi ăn trưa], chạy thẳng QL8 khoảng 1h, chú ý biển chỉ dẫn để quẹo phải vào DT315, hoặc chạy thẳng QL8 lên thêm một đoạn nữa gặp ngã tư giữa QL8 và QL11 thì quẹo phải qua QL11 – chạy thảng QL 11 khoảng 30 -45P thì chú ý tới ngã 3 giao với DT 317 thì quẹo trái vào DT317 [đoạn đường này rất xấu, đang làm, khói bụi mịt mù] – chạy thẳng 317 tới khi nào giao với QL1 thì quẹo trái ra QL1 là chạy thẳng về cửa khẩu Mộc Bài.

Chú ý: Đường này rất rắc rối, nhưng sẽ giảm cho bạn được 121km, nếu bạn chịu khó đi thì sẽ giảm rất nhiều, còn không bạn đi theo kiểu này.

Cách 2: Đường 621km từ Siem Reap về tới Việt Nam

Đi từ Siem Reap => PhnomPenh => Chạy thẳng Route Nationale 1 =>Cửa khẩu Mộc Bài=>Trung tâm Sài Gòn

III. Lịch trình cách du lịch Campuchia bằng xe máy

Theo kinh nghiệm du lịch Campuchia của tôi, nếu bạn đang đọc bài hướng dẫn cách du lịch Campuchia bằng xe máy thì bạn có thể tham khảo lịch trình này của tôi nhé.

Ngày 1: Di chuyển từ Việt Nam sang Phnom Penh[230km].

Ngày 1, vào buổi tối bạn có thể ăn chơi ngủ nghỉ ở Phnom Penh [thưởng thức ẩm thực đường phố Campuchia, tham quan khách sạn 5 sao Nagaworld [nhớ tham quan cái này, vì nó là casino lớn nhất Campuchia, vô đó trải nghiệm rất tuyệt]]

Ngày 2: Tham quan các địa điểm như Cung điện hoàng cung, chùa Bạc [buổi sáng]. Buổi chiều đi tham quan Nhà tù Tungsleng, cánh đồng chết.

Buổi tối, bạn đi tham quan tượng đài Hữu Nghị và xách xe máy chạy vòng Phnom Penh để thưởng thức một Campuchia sang trọng, đẳng cấp!

Ngày 3: Lên đường đi Siem Reap [319km], đường đi Siem Reap khá đẹp, vì vậy với số km như vậy, nhưng vừa đi vừa chụp ảnh, ngắm hoa thì nếu đi từ sáng sớm lúc 5h sáng thì bạn đến Siem Reap cũng là 6h tối rồi.

Vào buổi tối, đi tham quan chợ Angkor Night Market, thưởng thức ẩm thực đường phố Siem Reap rồi về ngủ.

Ngày 4: Cả ngày tham quan Angkor. Buổi tối, bạn có thể đi tham quan hết Siem Reap bằng xe máy để ngắm nhìn một Siem Reap rất mới lạ.

Ngày 5: Tham quan Biển Hồ buổi sáng [ở đây chỉ đi 1 tiếng thôi], buổi chiều đi tham quan hết các ngôi chùa ở Siem Reap, vì chùa ở Siem Reap nhiều vô kể, đừng bỏ lỡ.

Vào buổi tối, nhớ đến PubStreet để thưởng thức một PubStreet vui nhộn và thưởng thức ẩm thực đường phố ở PubStreet.

Ngày 6: Di chuyển từ Siem Reap về Việt Nam [621km], nhưng nếu đi đường tắt chỉ còn có 500km thôi nhé.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách du lịch Campuchia bằng xe máy của tôi, hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu cần hỗ trợ thông tin chi tiết, hãy liên hệ với tôi qua fanpage Travel Blog – Xu Kien để được hướng dẫn chi tiết, và nhớ hãy share bài viết để nhiều người biết kinh nghiệm du lịch Campuchia bằng xe máy nhé!

Trong chuyến đi này, trước khi đi tôi đã tham khảo thông tin từ khá nhiều nơi, từ việc mua cuốn sổ tay du lịch Campuchia cho đến các thông tin trên Internet, đặc biệt hơn là tôi có tham khảo các thông tin bổ ích của trang www.trippy.vn . Đây là một trang thông tin mà tôi đánh giá là nó khá bổ ích, là cuốn “cẩm nang du lịch Campuchia”, trên này có khá nhiều bài viết blog chia sẻ các kinh nghiệm thực tế của các blogger khác. Vì vậy trước khi đi du lịch Campuchia, bạn nên tham khảo thêm các bài viết của Trippy.vn nhé!

Ủng hộ Xu Kiên bằng cách tặng mình một ly cafe hoặc tuỳ tâm các bạn để Xu Kiên duy trì website và có thêm money để đi tiếp các chuyến đi khác nhé!!! Bebe!! Link ủng hộ: THANKS XU KIÊN Hoặc mua các sản phẩm khăn truyền thống của Việt Nam và khăn phụ kiện tại đây: Khăn Km0 Để biết thêm thông tin du lịch, hãy cổ vũ tôi bằng cách like page và theo dõi Xu Kiên qua thông tin dưới đây! Web: www.xukien.com Instagram: //www.instagram.com/xuxukien/ Fanpage://www.facebook.com/travelblogxukien Facebook: //www.facebook.com/kien.huynh.info Chân thành cám ơn các bạn nhiều!!! Yêu yêu yêu!!!

Video liên quan

Chủ Đề