Cách chọn quả cau giống

Bà Nguyễn Thị Tâm ở tổ 1, thôn Hoà Hải, xã Hoà Phú [Hoà Vang - TP. Đà Nẵng], người có thâm niên hơn 20 năm ươm cau lùn cho biết: Cau lùn có các lóng dày, gốc to, thân và lá xanh thẫm, có trái quanh năm, đặc biệt vào dịp lễ Tết, cau bán rất đắt. Muốn ươm, cần phải chọn buồng trái của những cây cau lùn dưới 8 năm tuổi, to khoẻ, không bị bệnh để lấy trái ươm.

Bà Tâm chia sẻ: Khi thấy quả chín có màu đỏ, cần hái xuống, bỏ buồng trái vào bao xác rắn, xịt thuốc trừ kiến, gián... và để vào nơi thoáng mát. Khoảng 20 ngày sau, mở ra kiểm tra, nếu thấy đầu cuống cau nảy lên mộng nhỏ màu trắng bằng hạt đậu xanh, nghĩa là cau đã nảy mầm. Cũng có thể lấp các trái cau này vào đống cát ẩm, sau 20 ngày kiểm tra. Trái nào nảy mầm thì dùng bao nylon có đâm lỗ ở đáy cho thoát nước để ươm cau. Trộn đất pha cát 4 phần, phân chuồng hoai mục 1 phần, cho đất vào 2/3 bao, để quả cau đã nảy mầm vào bao, mầm hướng lên, cho đất vào lấp trên quả cau khoảng hơn 1cm. Những quả chưa nảy mầm thì 5 - 10 ngày sau kiểm tra lại, lên mầm thì để vào bao tiếp...

Chú ý, bao này xếp tập trung một chỗ, gặp mưa nhiều thì che lại, vì ngâm nước lâu cau sẽ bị vàng lá. Khi cau con phát triển được hai lá thì bắt đầu phân loại dựa theo tiêu chí sau: cau lùn 100% có gốc to, thấp đậm, lá xoè to bản; cau lai thì cao, gốc ốm, lá hẹp. Cần xếp riêng theo từng loại để dễ chăm sóc,...

Theo bà Tâm, cau lùn ít sâu bệnh, tuy nhiên, không nên ươm cây vào nơi rợp, thiếu ánh sáng sẽ tạo cơ hội cho một số nấm bệnh phát triển. Nếu bị nấm, rầy... thì dùng thuốc Bassa, Mipcin [trừ rầy] hoặc Ridomin [trừ nấm] để phun. Ngoài ra, ở những cây cau trưởng thành, ngọn bị xoắn có thể bị ấu trùng, côn trùng... ăn, làm tổ ở bẹ non của ngọn cau. Nên dùng thuốc Padan 95 SP; Bassa 50 ND; Para 43 SC... phun xịt.

Video liên quan

Chủ Đề