Cách cho trẻ sơ sinh bú bình nằm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sặc sữa là một tai nạn rất phổ biến ở trẻ nhỏ khiến nhiều bà mẹ bối rối, nhất là với các mẹ mới sinh con lần đầu. Để cho con bú đúng tư thế, đúng khớp ngậm và cách xử lý sặc sữa hiệu quả là điều được nhiều bà mẹ trẻ hết sức quan tâm.

1. Tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh

Sặc sữa (nôn trớ) là hiện tượng sữa trào vào đường hô hấp khiến trẻ khó thở, sặc sụa, tím tái, có thể gây ngừng thở. Khi sặc, bé có phản xạ hít hơi để khóc to khiến sữa càng bị đẩy sâu vào khí quản, phế quản gây ngạt thở. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở trẻ mới sinh đến dưới 1 tuổi và cần được nhanh chóng xử lý để tránh đe dọa tới tính mạng trẻ. Ngoài sặc sữa, trẻ còn có thể bị sặc nước, sặc thức ăn, sặc chất trào ngược, hoặc sặc dịch dạ dày.

Cha mẹ có thể nhận biết trẻ đang bị sặc sữa thông qua các biểu hiện:

  • Trẻ đang bú (hoặc sau khi bú) đột ngột ho sặc sụa, tím tái, khóc thét
  • Sữa trào ra mũi, miệng của trẻ, trẻ bị hốt hoảng, cơ thể mềm nhũn hoặc co cứng
  • Trường hợp nặng, trẻ có thể bị ngưng tim, ngưng thở thậm chí tử vong nếu không được sơ cứu kịp thời

2. Nguyên nhân sặc sữa ở trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh bị sặc sữa là hiện tượng thường gặp, tuy nhiên nguyên nhân khiến bé sặc sữa đa phần là do cha mẹ cho con bú không đúng tư thế. Một số tư thế ăn uống sai lầm khiến trẻ dễ sặc sữa là:

  • Cho bú nằm hoặc kê bình sữa vào gối cho bé tự bú

Nhiều mẹ có thói quen cho bé nằm bú bình, trẻ vừa ăn vừa ngủ. Tuy nhiên trong lúc bú rất có thể bé sẽ ngủ quên, miệng ngậm núm vú nhưng không hề nuốt. Khi thở mạnh bé vô tình hít sữa lên mũi vào phế quản, dẫn đến tình trạng sặc sữa, khó thở.

  • Nằm cho uống nước, ngửa đầu uống nước khi bé bị nấc

Tương tự như trên, việc cho bé ăn uống khi đang nằm hoặc ngửa đầu khi uống nước cũng có thể khiến nước trào thẳng vào phế quản, gây sặc cho trẻ.

  • Sau khi trẻ bú no, cho bé ngủ luôn với tư thế ngửa đầu

Trẻ sơ sinh đang bú hoặc sau khi bú thường chìm vào giấc ngủ luôn. Nhiều mẹ thấy vậy thường đặt bé nằm ngủ cố định ở tư thế ngửa đầu. Điều này rất nguy hiểm vì mới ăn no nên khả năng sặc sữa rất cao, thêm việc không thể tự xoay đầu khiến bé không thể tự thoát khỏi cơn ngạt, khó thở.

  • Đút bé ăn, bú khi bé đang ở trạng thái xúc động

Tầm 4 tháng tuổi trẻ đã có xu hướng biết hóng chuyện, dễ phản ứng trước các hành động của mẹ. Nếu mẹ cho bé bú sữa trong khi bé đang có biểu hiện xúc động như cười, khóc, ho khan thì rất dễ khiến sữa tràn vào khí quản của bé và gây sặc.

Cách cho trẻ sơ sinh bú bình nằm

Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ sặc sữa là tư thế cho trẻ bú không đúng

3. Kỹ năng chống sặc sữa ở trẻ sơ sinh

  • Chọn thời điểm thích hợp cho con bú

Để cho con không bị sặc sữa cha mẹ nên chọn thời điểm phù hợp cho con bú, không phải lúc nào cũng cho con ăn được. Ví dụ, khi trẻ đang khóc, đang cười hoặc ho khan, cha mẹ không nên cố đút ép bé ăn vì lúc đó trẻ rất dễ bị sặc.

Ngoài ra cũng nên tránh cho trẻ bú khi quá đói, khi bụng rỗng trẻ thường bú nhanh mà không kịp nuốt sữa. Ngược lại, khi bé đã no thì cũng không nên cố ép vì có thể gây ra các sự cố phát sinh: nôn, trớ...

  • Lựa chọn tư thế ăn uống phù hợp cho bé

Cha mẹ nên tránh để bé vừa bú vừa ngủ, điều này giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống đúng bữa khoa học, vừa phòng ngừa được chứng nôn trớ, sặc sữa. Tư thế cho con bú cũng cần được các mẹ chú ý. Không nên để cổ của bé ngửa hoặc gập cổ khi ăn, thay vào đó mẹ nên bế bé ngồi khi cho bú, ăn hoặc uống nước.

Khi cầm bình cho con bú, các mẹ nên nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để sữa chảy xuống đều núm vú cao su, có như vậy trẻ sẽ không phải mút nhiều khiến không khí gây đầy hơi, chướng bụng.

Dù ở bất kỳ tư thế nào, cha mẹ nên cố gắng giữ bình sữa ổn định, không thay đổi quá nhiều tư thế để tránh rung lắc bình, tạo bọt khí trong sữa.

  • Điều chỉnh tốc độ bú sữa của bé

Đối với trẻ còn non nớt hoặc sinh non, các mẹ nên kiên nhẫn cho bé bú từ từ và quan sát biểu hiện của trẻ. Nếu thấy bé ho hoặc khóc lập tức ngừng ngay. Với những trẻ bú bình, hãy lựa chọn bình sữa với lỗ ở núm vú ở mức bình thường, không quá to, điều này giúp sữa chảy xuống nhẹ nhàng giúp chống sặc sữa ở trẻ sơ sinh.

  • Các lưu ý sau khi cho con bú

Sau khi bú xong, cần bế bé theo tư thế thẳng, người áp vào một bên ngực mẹ, mặt bé áp lên vai mẹ rồi nhẹ nhàng vỗ lưng cho bé ợ hơi một lúc. Sau đó mẹ mới nhẹ nhàng đặt bé nằm xuống nghiêng sang bên trái, kê gối hơi cao.

Sau khi bé bú xong, không nên đặt bé nằm ngay lập tức, cũng không đùa giỡn, tâng bồng lên xuống. Trường hợp bất khả kháng mẹ cũng có thể cho con nằm xuống ngay sau khi bú nhưng cần đặt đầu trẻ cao hơn 15 độ so với mặt giường (bé nằm đầu cao hơn thân). Đồng thời điều chỉnh cho mặt bé nghiêng sang một bên tầm 30 phút rồi mới cho nằm ngửa như bình thường.

Cách cho trẻ sơ sinh bú bình nằm

Lựa chọn tư thế ăn uống phù hợp cho bé để tránh sặc sữa

4. Cách xử lý khi bé sặc sữa

Nếu không may trẻ có dấu hiệu sặc sữa, các mẹ hãy thực hiện các thao tác sơ cấp cứu cơ bản cho trẻ ngay lập tức.

  • Hút miệng mũi

Bước 1: Cần nhanh chóng lấy sữa đọng trong họng và mũi trẻ ra bằng cách dùng miệng hút mạnh vào miệng và mũi của trẻ. Hút miệng trước, mũi sau. Thao tác hút càng nhanh càng tốt vì nếu như chậm sẽ khiến cho sữa đi sâu vào trong khí quản, gây tắc nghẽn đường hô hấp.

Bước 2: Trẻ bị tắc sữa lâu thì khả năng cứu càng khó, vì vậy sau khi hút xong mẹ nên kích thích mạnh để trẻ có thể khóc và thở được. Sau đó mẹ nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất để được sơ cứu.

  • Vỗ lưng, ấn ngực

Bước 1: Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở: cha mẹ hãy đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải, ở vị trí giữa hai xương bả vai vỗ dứt khoát 5 cái vào lưng trẻ rồi lật trẻ quay lại. Mục đích là để tăng áp lực trong lồng ngực để tống xuất sữa ra khỏi đường hô hấp của trẻ. Nếu trẻ khóc được, cơ thể hết tím tái thì nhanh chóng chuyển đến bệnh viện, cơ sở gần nhất để tiếp tục theo dõi .

Bước 2: Nếu trẻ vẫn còn khó thở, tím tái thì mẹ đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng ngón giữa và ngón trỏ ấn liên tục 6 cái ở dưới xương ức và đường nối hai bên ngực cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục.

Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở, có thể kết hợp các biện pháp trên với hà hơi thổi ngạt. Người sơ cứu cần nhanh chóng ngậm mũi và miệng trẻ và thổi hơi vào cho đến khi thấy lồng ngực trẻ hơi nhô lên. Sau đó gia đình phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu ở trẻ. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu kém hấp thu chất dinh dưỡng, chậm tăng cân, chậm phát triển,... cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ những bác sĩ có chuyên môn.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Video liên quan