Các nguyên nhân gây ho kéo dài

Ho được xem là một trong những phản xạ có lợi của cơ thể. Ho giúp làm sạch các hạt bụi và dịch tiết ra khỏi phổi và từ đó giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy rằng ho mang lại lợi ích, nhưng ho không phải là một triệu chứng dễ chịu, đặc biệt là ho kéo dài. Ho kéo dài được định nghĩa là ho trong tám tuần hoặc lâu hơn. Ho kèo dài nhiều ngày gây khó chịu, khiến cơ thể luôn ở trạng thái mệt mỏi, khó ngủ, thức giấc về đêm, khàn tiếng, căng cơ, đổ mồ hôi… Từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống, học tập và làm việc kém hiệu quả.

Nội dung bài viết

  • 1. Nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài
  • 2. Các nguyên nhân gây ho kéo dài không thường gặp
  • 3. Chẩn đoán nguyên nhân gây ho kéo dài như thế nào?
  • 4. Điều trị ho kéo dài như thế nào?

1. Nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài

Các nguyên nhân phổ biến nhất của ho kéo dài bao gồm chảy dịch mũi sau, hen suyễn và trào ngược axit từ dạ dày. Ba nguyên nhân này chiếm tới 90% các trường hợp. Nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm nhiễm trùng, do thuốc và bệnh lý phổi.

  • Chảy dịch mũi sau: khi dịch tiết từ mũi nhỏ giọt hoặc chảy vào phía sau cổ họng. Những chất tiết này gây kích thích cổ họng và gây ho. Chảy dịch mũi sau tiến triển ở những người hay bị dị ứng, cảm lạnh, viêm mũi và viêm xoang.

Các dấu hiệu chảy dịch mũi sau bao gồm: nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, cảm giác có chất lỏng ở phía sau cổ họng khiến người bệnh phải hắng giọng thường xuyên.

  • Hen suyễn: là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây ho kéo dài ở người lớn và là nguyên nhân hàng đầu ở trẻ em. Ngoài ho, triệu chứng đi kèm có thể là thở khò khè hoặc cảm thấy khó thở. Tuy nhiên, có một tình trạng được gọi là hen suyễn biến thể ho, trong đó ho là triệu chứng duy nhất của hen suyễn
  • Trào ngược dạ dày thực quản: xảy ra khi axit từ dạ dày chảy ngược lại [trào ngược] vào thực quản, ống thông nối giữa dạ dày và cổ họng. Nhiều người bị ho do axit trào ngược, kèm theo ợ nóng hoặc có vị chua trong miệng. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thực quản, ho là triệu chứng duy nhất của họ.
Chảy dịch mũi sau là nguyên nhân thường gặp nhất của ho kéo dài

2. Các nguyên nhân gây ho kéo dài không thường gặp

  • Sử dụng thuốc ức chế men chuyển: Angiotensin [ACE], thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao. Thuốc gây ho mãn tính ở 20% bệnh nhân sử dụng. Ho thường là ho khan. Chuyển sang một loại thuốc khác thường cải thiện ho trong vòng một đến hai tuần.
  • Viêm phế quản mãn tính: là tình trạng đường hô hấp bị kích thích, khiến người bệnh ho nhiều, đôi khi tăng đờm. Hầu hết những người bị viêm phế quản mãn tính là những người hút thuốc lá kéo dài.
  • Ung thư phổi: đây là nguyên nhân hiếm gặp. Tuy nhiên, không thể loại trừ được ung thư, đặc biệt trên bệnh nhân hút thuốc lá lâu dài. Triệu chứng có thể là tính chất ho thay đổi đột ngột, bắt đầu ho ra máu hoặc vẫn tiếp tục ho hơn một tháng dù bỏ hút thuốc.
  • Viêm phế quản bạch cầu ái toan: một loại viêm đặc biệt của đường thở. Bệnh được chẩn đoán tình cờ khi làm các xét nghiệm hô hấp. Biểu hiện bao gồm: không có bằng chứng hen suyễn, nhưng xét nghiệm đàm xuất hiện nhiều bạch cầu ái toan. Viêm phế quản bạch cầu ái toan ít phổ biến hơn nhiều so với các nguyên nhân kể trên.

3. Chẩn đoán nguyên nhân gây ho kéo dài như thế nào?

Thông thường, để tìm nguyên nhân gây ho kéo dài, các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của người bệnh và khám lâm sàng. Dựa trên những gì hỏi và khám được, bác sĩ có thể đề nghị điều trị thử trước khi quyết định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu. Nếu người bệnh cải thiện, thường không cần xét nghiệm thêm. Nếu người bệnh không cải thiện hoặc nếu chẩn đoán không rõ ràng, có thể làm thêm các xét nghiệm, bao gồm:

  • Chụp Xquang phổi: nếu người bệnh hút thuốc lá kéo dài, hoặc có các tình trạng nghi ngờ liên quan đến bệnh lý phổi, có thể chụp X-quang ngực. Nếu không rõ ràng, có thể phải cần đến chụp CT ngực.
  • Xét nghiệm chức năng phổi: nếu nghi ngờ hen suyễn nhưng không thể xác nhận, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để đo chức năng hô hấp.
  • Xét nghiệm chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản. Tùy thuộc vào bệnh nhân và điều kiện cơ sở y tế mà các xét nghiệm có thể là nội soi dạ dày thực quản hoặc đo pH dạ dày, đo áp lực thực quản,…

4. Điều trị ho kéo dài như thế nào?

  • Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ho kéo dài sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau:
  • Chảy dịch mũi sau: ho liên quan chảy dịch mũi sau có thể cải thiện khi sử dụng thuốc chống sung huyết, thuốc chống dị ứng, glucocorticoids hoặc thuốc xịt mũi có chứa ipratropium.
  • Hen suyễn ho: người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ điều trị hen suyễn. Các thuốc điều trị có thể bao gồm: glucocorticoid dạng hít như budesonide hoặc beclomethason. Ngoài ra, có thể thêm thuốc giãn phế quản dạng hít như albuterol nếu người bệnh có kèm khò khè hoặc khó thở.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: được điều trị bằng thuốc và những biện pháp thay đổi lối sống:
  • Tránh các chất làm tăng trào ngược. Ví dụ: đồ ăn giàu chất béo, sô cô la, rượu vang đỏ, nước ép chua, uống rượu.
  • Tránh ăn trong vòng ba giờ trước khi ngủ.
  • Giảm cân, nếu thừa cân.
  • Ngừng hút thuốc.
  • Ngoài ra, người bệnh có thể được cho dùng thuốc làm giảm acid dạ dày. Các thuốc này bao gồm: omeprazole, esomeprazole và lansoprazole. Tình trạng ho sẽ cải thiện khi điều trị kéo dài tám tuần hoặc hơn.
  • Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thêm thuốc làm loãng đàm, ức chế ho để giảm bớt khó chịu.

Ho kéo dài là triệu chứng hay gặp ở người lớn, gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Để điều trị hiệu quả ho kéo dài, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán. Hơn nữa, ho kéo dài còn là triệu chứng của các bệnh nguy hiểm, tuy hiếm gặp nhưng không thể bỏ qua. Do đó, việc tìm ra nguyên nhân gây ho và điều trị kịp thời, nhanh chóng đẩy lùi bệnh là việc làm hết sức quan trọng.

Bác sĩ : Nguyễn Lê Vũ Hoàng

Xem thêm bài viết liên quan:

  • Viêm họng do trào ngược
  • Áp-xe phổi: Những kiến thức cơ bản
  • Giảm thời gian chờ đợi bằng 4 nền tảng đặt lịch khám online

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

UpToDate. “CHRONIC COUGH IN ADULTS”, Ronald C Silvestri, MD, Steven E Weinberger, MD

//www.uptodate.com/contents/chronic-cough-in-adults-beyond-the-basics

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người

Có thể bạn quan tâm

Chủ Đề