Các mẹ cai sữa con như thế nào

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, sơ sinh.

Với những bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, khi phải quay trở lại đi làm là lúc cần cân nhắc cai sữa cho bé. Nhiều người đắn đo không biết nên cai sữa cho con vào thời điểm nào để không quá đột ngột sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Cha mẹ nên dựa theo nhu cầu của bé, điều kiện thực tế để quyết định thời điểm cai sữa tốt nhất.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ trong vòng 6 tháng đầu đời. Trong sữa có nhiều yếu tố sinh học như kháng thể, các men và bạch cầu,... không tìm thấy trong sữa công thức. Đồng thời, axit béo có trong sữa mẹ cũng giúp trẻ phát triển não bộ và tăng cường nhận thức. Casein – một chất đạm đặc biệt trong sữa mẹ - giúp bé ngăn ngừa bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp, viêm tai và dị ứng,...

Khi đã qua giai đoạn 6 tháng đầu đời, nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng của trẻ sẽ lớn hơn mà sữa mẹ không đủ để đáp ứng. Lúc này, cha mẹ cần cho bé ăn bổ sung bằng sữa công thức hoặc đồ ăn dặm. Phụ huynh nên cho bé ăn dặm tăng dần, đặc dần, gần với thức ăn của người lớn để đến giai đoạn cai sữa bé sẽ không bị hụt hẫng vì thay đổi thói quen ăn uống.

>>Xem thêm: Chọn sữa công thức cho trẻ - Bài viết được viết bởi TS. BS Phạm Thị Việt Hương - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Không có một quy định cụ thể về thời điểm quyết định cai sữa cho con. Thời điểm có thể sớm hoặc trễ tùy từng cá nhân, hoàn cảnh gia đình cụ thể. Cai sữa là một quá trình trẻ thích nghi dần dần từ việc chuyển thức ăn là sữa sang thức ăn của người lớn nên tốc độ chuyển đổi phải diễn ra chậm rãi để bé kịp thời thích nghi.

Các mẹ cai sữa con như thế nào

Thời điểm thích hợp cai sữa cho bé

Khi bé bước sang những giai đoạn sau, phụ huynh có thể cân nhắc tới việc cai sữa cho bé:

  • Bé có thể ngồi thẳng và lăn trái bóng ra trước mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Khi có thể làm được những động tác này, trẻ đã gần một tuổi, hệ thần kinh và hệ vận động phát triển tương đối tốt, bé đã cứng cáp, có khả năng tự đề kháng nếu thiếu sữa mẹ.
  • Bé có thể nói được thêm 2 – 3 từ ngoài bà, mẹ, bố hay đã có thể nói được một câu ngắn. Đây là thời điểm hệ thần kinh, thính giác của trẻ đã phát triển tốt, trẻ có thể diễn đạt mong muốn của mình bằng lời nói. Ở giai đoạn này, cha mẹ có thể cai sữa cho con, kết hợp với việc cho bé ăn dặm bằng nhiều loại thực phẩm đa dạng. Đồng thời, phụ huynh cũng nên bổ sung thêm sữa ngoài cho bé với lượng khoảng 500-600ml/ngày.
  • Bé ăn được cháo và cơm nhão: khi trẻ có khả năng nhai, nuốt chứng tỏ hệ tiêu hóa đã phát triển. Lúc này, bé đã được 18 – 24 tháng tuổi. Đây là thời điểm lý tưởng khi thực hiện quyết định cai sữa mẹ cho bé. Phụ huynh có thể cho bé ngồi vào bàn ăn cùng gia đình. Việc này rất có lợi cho sự phát triển trí tuệ của trẻ và giúp thắt chặt thêm tình cảm gia đình.
  • Khi bé có thể nhận biết và có ấn tượng với màu sắc: bằng cách thay đổi màu sắc đầu vú, người mẹ có thể cai sữa cho bé. Khi không thấy màu sắc núm vú quen thuộc, bé sẽ dần ngưng bú. Lời khuyên cho mẹ là chỉ nên dùng những màu tự nhiên bôi lên đầu vú như dùng nghệ tạo màu vàng, dùng củ dền tạo màu đỏ,...
  • Trẻ có thể leo lên, leo xuống cầu thang: ở thời điểm này, trẻ đã được trên 24 tháng. Đây là độ tuổi các bác sĩ khuyên nên cai sữa mẹ.
  • Một số trường hợp đặc biệt: nên cai sữa ngay cho trẻ khi mẹ mắc bệnh truyền nhiễm hoặc các bệnh liên quan tới bầu vú như nứt nẻ đầu vú.

Lưu ý: Thời điểm thích hợp để cai sữa là khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi, có sức khỏe bình thường, không mắc bệnh hay bị ốm. Nếu cai sữa khi bé không khỏe thì sức khỏe bé sẽ không tốt như những bé được bú mẹ đầy đủ, về sau dễ bị biếng ăn, còi xương.

  • Trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm cần thiết trước khi cai sữa cho con.
  • Khi cai sữa nên bắt đầu từ từ, không đột ngột ngưng hẳn việc cho trẻ bú. Điều này có nghĩa là các bà mẹ cần chủ động rút ngắn thời gian và cường độ cho trẻ bú để tránh những sang chấn bất lợi cho tâm lý trẻ sau này. Bên cạnh đó, từ tháng thứ 4, phụ huynh nên bắt đầu cho trẻ nếm thử thức ăn của người lớn (uống nước rau, nước canh,...) để trẻ làm quen với các mùi vị món ăn khác nhau.
  • Kết hợp cho trẻ ăn ngoài bằng sữa thay thế như sữa bột, sữa hộp, sữa đặc hay sữa bò (chỉ nên áp dụng với những trẻ trên 1 tuổi) và cho trẻ ăn dặm. Các món ăn dặm cho bé cần được chế biến thật mềm, nhuyễn như cháo loãng hoặc bột, vừa tốt cho tiêu hóa và sự phát triển răng của trẻ, vừa loại trừ nguy cơ bị hóc, nghẹn.
  • Tăng dần lượng thức ăn và độ đặc của các món ăn dặm.

Các mẹ cai sữa con như thế nào

Tăng dần lượng thức ăn và độ đặc của các món ăn dặm

  • Cho bé ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
  • Lựa chọn thực phẩm và chế biến đa dạng để tạo cảm giác hứng thú cho trẻ, tránh tình trạng biếng ăn.

Thời điểm cai sữa có thể tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình. Tuy nhiên nói chung, thời điểm thích hợp được bác sĩ khuyến cáo là nên cai sữa cho trẻ khi khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi. Ngoài ra khi bắt đầu cai sữa, sức khỏe trẻ phải bình thường, không có bệnh tật. Quyết định thời điểm cai sữa và tiến hành cai sữa như thế nào là rất quan trọng đối với sự phát triển sau này của con.

Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng hàng đầu của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.

Vì sao trẻ bị dị ứng đạm sữa bò?

XEM THÊM:

Thế là đã tròn 2 tuần Tép con tạm biệt bạn ti ti. Vì nhiều mẹ quan tâm nên mẹ Tép viết bài này để chia sẻ cách mẹ Tép đã cai sữa cho bé thành công như thế nào. Các mẹ tham khảo nhé!

Không có thời điểm chính xác nào cho việc cai sữa. Việc này hoàn toàn do mẹ và bé quyết định. Tuy nhiên nếu quyết định cai sữa cho bé trước một tuổi, mẹ cần bổ sung sữa công thức tăng cường chất sắt. Cho bé ăn dặm đa dạng các loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất để giúp bé phát triển.

WHO khuyến nghị cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tập cho bé ăn dặm sau 6 tháng và tiếp tục cho con bú tới 2 tuổi hoặc lâu hơn, miễn sao cả mẹ và bé đều thoải mái. Bú sữa mẹ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, một số loại ung thư, bệnh tim mạch và béo phì. Các nghiên cứu mới cũng cho thấy nhiều lợi ích cho sức khỏe của bé từ việc uống sữa mẹ. Người mẹ cho con ti sữa cũng giúp giảm khả năng phát triển ung thư vú và bệnh loãng xương. (Nguồn tham khảo: Babycenter).

Không nên cai sữa cho bé khi trẻ bị ốm. Lúc này trẻ sẽ cần được ti thường xuyên. Ti mẹ không chỉ giúp bé thoải mái mà còn là nguồn bổ sung dinh dưỡng rất tốt.

Chuyện cai sữa của bạn Tép

Mình bắt đầu cho Tép cai ti mẹ khi Tép được 19 tháng rưỡi. Không xem ngày đẹp hay gì đâu các mẹ nhé! Mình được chị dâu mách cho cách cai sữa cho bé bằng băng dính đen! Dán vào đầu ti là bé sợ không dám ti. Cũng có nhiều mẹo khác như bôi thuốc đắng, bôi ớt hoặc dầu cay… vào ti để bé mút sợ sẽ bỏ ti. Nhưng mẹ Tép chọn cách dán băng dính đen. Mình muốn thử cách này đầu tiên xem phản ứng của Tép như thế nào. Liệu dán vào, con có bóc ra chơi luôn không?!

Ngày đầu tiên

Bắt đầu thực hiện kế hoạch vào ban ngày, mẹ Tép dán băng dính theo hình chữ X đủ để che hết phần đầu ti và quầng vú. Lúc Tép đòi ti, mình cho Tép xem và nói với con: Ôi bạn Ti đen sợ chưa này Tép ơi!. Tép đang rúc vào định ti thì giật mình nhìn thấy cứ ngơ ngác nhìn, rồi mặt dần biến sắc. Sau đó ngồi cách hẳn mẹ ra luôn. Mẹ hỏi có ti nữa không thì Tép sợ luôn. Mẹ bế còn né với mếu máo suýt khóc nữa.

Lúc đó mình trấn an Tép và bảo thôi mẹ bế thôi chứ không ti đâu mà sợ. Tép trả lời: Sợ, sợ, rồi ôm lấy mẹ để mẹ bế em. Ôm em âu yếm rồi nói bạn ti bị đau đấy Tép ạ, không ti được đâu. Tép lại nói Đau, đau rồi thôi luôn ý định tìm ti mẹ.

Thế là lần thử đầu tiên đã rất thành công, cảm thấy mừng quá! Từ lúc đó trở đi Tép không nhắc tới bạn Ti như thường ngày. Trước đấy là giai đoạn Tép rất hay đòi ti, nhìn thấy mẹ lướt qua lại đòi hoặc đang chơi lăn ra ăn vạ đòi ti. Nhưng lúc ti thì nhe nhởn, ngậm vớ vẩn, mút rồi lại ư ử hát mà không chịu nhả ti.

Buổi tối ngày cai ti đầu tiên, trước khi đi ngủ, bạn Tép khóc rúc vào ngực nhưng không dám gọi ti ti. Mẹ bế ru ngủ, ôm em vào và hỏi bạn ti bị sao nhỉ? Tép bảo “Ti đau”. Mẹ bảo “Ừ, bạn ti bị đau rồi. Tép bye bye bạn Ti rồi đi ngủ nhé.“ Tép bye bye xong bảo “Ngủ ngủ”. Mẹ vỗ về một lát Tép con ngủ luôn. Trước khi cai sữa cho bé là mình cũng luyện thói quen không ti để đi ngủ nữa rồi. Chỉ có điều Tép rất hay tỉnh và ti đêm thôi.

Đêm đầu tiên cai ti mẹ, Tép ngủ đc vài tiếng thì tỉnh giấc khóc tìm ti. Mẹ bình tĩnh bế ru rồi cho Tép xem bạn ti bảo: “Tép ơi, bạn ti bị đau đen đây này nên ko ti đc đâu con ạ. Con ôm bạn ti đi ngủ nhé!”. Tép nhìn thấy ti bị thế là lại thôi đòi. Rên ư ử một tí rồi cũng ôm mẹ để mẹ bế ru ngủ. Đêm Tép tỉnh vài lần như vậy. Mẹ lặp lại như thế, lúc thì cho xem ti đau, Tép còn nằm thổi thổi cho bạn ti khỏi đau nữa. Rồi lúc thì hát ru, kể chuyện…

Nếu con khóc thật to, gào ầm ĩ trong khi mắt cứ nhắm nghiền, kiểu không tỉnh táo mẹ phải cố gắng trấn tĩnh con bằng cách gây chú ý, tạo ra một cái gì đó làm cho con tập trung vào, thức tỉnh kiểu mê man ngủ khóc của con. Ví dụ, mẹ Tép nhắc tới những gì Tép yêu thích, những hoạt động ban ngày… cố gắng nói to để át tiếng khóc.

  • Bạn gà trống gáy Ò ó o, bạn mèo kêu Meo meo meo…
  • Ôi hôm nay Tép chơi cầu trượt thích nhỉ, hoặc Sáng nay ông nội khen Tép ăn ngoan ngủ ngon nhỉ…
  • Hoặc bế bé ra sân cố gắng cho bé mở mắt để nhìn thấy và ngắt quãng việc gào khóc. Mình nói: “Con nhìn kìa trời tối đen rồi, cả nhà ai cũng ngủ rồi có ai thức đâu, không ai chơi nữa đâu. Các bạn cũng đi ngủ hết rồi. Con phải ngủ ngon đi mai mới thức dậy mới khoẻ để chơi thật nhiều được chứ…”
Lưu ý:

Tuỳ theo mỗi bé, mẹ sẽ tìm cách khác nhau nhé! Tuyệt đối không cho bé ti. Nhiều mẹ đêm thức giấc mệt mỏi, thấy con khóc thì lười dỗ hoặc thương con nên lại cho con ti. Các mẹ nên nhớ cai sữa cho bé phải dứt khoát, nếu bé “tái nghiện” thì những lần sau sẽ càng khó cai hơn.

Chuẩn bị nước, sữa công thức sẵn sàng để đêm bé tỉnh thì cho bé uống. Tép cũng có lúc dậy khóc rồi mẹ trấn an xong cho uống nước. Tầm 5 giờ sáng là lúc con hay tỉnh dậy khóc. Mình dùng sữa công thức pha sẵn dạng hộp có ống hút cho tiện. Tép cũng không ti bình từ bé rồi. Tép uống được tầm 100ml sữa lại bế vỗ ngủ tiếp. Tép không phải fan của sữa, nên khi uống sữa mình thường phải dỗ dành, tạo động lực cho con uống. Khi cảm thấy đủ no rồi, con sẽ tự nói “Cất cất” rồi bảo “Ngủ!” để nhắc mẹ ru em ngủ. Ngủ thêm tới khoảng 7 rưỡi sáng thì thức dậy. Kết thúc đêm cai sữa đầu tiên khá nhẹ nhàng.

Những ngày sau…

Sang ngày hôm sau, con sẽ có nhiều biểu hiện kiểu buồn chán vì không được ti mẹ nữa, sẽ có những lúc vật vã, đang chơi khóc lăn ăn vạ, rồi rất hay đòi mẹ bế, làm nũng. Kinh nghiệm của mẹ Tép là hãy cố gắng tạo nhiều hoạt động cho bé vui chơi và quên việc thèm ti đi. Để nhiều người thân trong gia đình chơi cùng với bé. Mẹ nên ít có mặt tránh để bé đòi. Có thể đưa bé ra ngoài đi chơi công viên, siêu thị, đi ngắm cảnh đường phố hay cây cối, các bạn chó, gà, mèo… Ngoài những lúc chơi vui ra con sẽ khóc đòi mẹ, đòi ti thì các mẹ lặp lại một số cách dỗ bé như trước.

Tép thì từ lúc nhìn thấy ti bị dán đen, bị đau vậy là sợ rất hiếm khi dám nhắc tới ti ti. Con chỉ tỏ ý qua nét mặt với hành động là rất vật vã muốn được ti nhưng không nhắc tới từ đó.

Đêm thứ 2, Tép khóc nhiều hơn. Đêm thứ 3 là đêm vất vả nhất. Khóc thời gian lâu hơn có lúc khóc và dỗ cứ im ngủ rồi đặt xuống được tí lại tỉnh. Còn từ đêm thứ 4 trở đi là ngon lành các mẹ ạ. Đêm con chỉ tỉnh “Ẹ ẹ!” rồi mẹ bế với nói chuyện, hát một lát là ngủ lại ngay. Con ngủ được sâu giấc hơn, ngủ ngon hơn hẳn so với việc ti đêm như trước. Sáng dậy khoẻ khoắn chơi vui ăn tốt hơn. Cũng không cần uống nước buổi đêm hoặc uống sữa khi tỉnh giấc lúc sáng sớm nữa.

Chuyện căng tức ngực khi cai sữa cho bé

Khi mẹ không cho con bú mà sữa vẫn cứ về thì ngực sẽ căng tức, gây đau và khó chịu. Mẹ Tép cũng bị vậy. Phương án được mẹ Tép thực hiện để giải quyết vấn đề này đó là khi ngực thật căng thì bóp bớt một ít sữa ngoài ở phần đầu ti ra. Có thể trườm ấm cho dễ xoa bóp và đỡ bị đau. Bóp cho bớt căng sữa rồi ngưng.

Nhiều mẹ chia sẻ là vẫn hút kiệt sữa hoặc nhờ bố bé ti hộ hay đêm lén cho con ti… nhưng mẹ Tép không làm vậy. Vì dù không cho bé ti nhưng nếu dùng cách khác để làm cho sữa kiệt đi, tuyến sữa sẽ lại hoạt động, tiết sữa về để phục vụ nhu cầu ti sữa của con.

Giữ nguyên tắc ban đầu là tuyệt đối không cho bé ti vì sẽ như kiểu bị lộ bài. Lúc đó bé ti lại, càng khó cai hơn. Vì thế mình loại ngay phương án lén cho con ti các mẹ ạ.

Cố gắng chịu đau và lặp lại việc bóp sữa khi ngực căng đầy. Mẹ Tép mất khoảng 3 lần bóp sữa như vậy trong 3 ngày đầu. Sau đó không thấy sữa về nhiều nữa, ngực sẽ mềm dần trở lại. Kết hợp với đó trong 3 ngày đầu mình uống thêm nước lá lốt luộc. Các mẹ lấy một ít lá lốt rồi luộc lên, ngày uống khoảng 2 lần mỗi lần tầm gần một bát con nhé.

Thời gian biểu cho bé sau cai sữa

Dưới đây là thời gian biểu hiện tại của Tép sau khi cai sữa thành công. Các mẹ có thể tham khảo áp dụng nhé!

Mẹ nên đọc: Ăn dặm tự chỉ huy
7h30Thức dậy
8h00Bữa sáng
10hUống sữa
11h30Bữa trưa
12h30Ngủ trưa
15h30Bữa phụ*
19h00Bữa tối
21h00Uống sữa
21h30Ngủ

*Bữa phụ có thể là trái cây, bánh, sữa chua…

Thời gian biểu các khung giờ có thể xê dịch tầm 30 phút. Trước đây Tép đi ngủ khá muộn lúc thì 10h, lúc thì 11h, 11h30.. Bây giờ Tép thường ngủ vào khoảng 9h30 tới 10h. Mẹ Tép đang muốn cho Tép đi ngủ sớm hơn, ngủ lúc 9h và dậy khoảng 7h sáng. Còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, sinh hoạt của mỗi gia đình là khác nhau và Tép ở nhà chứ không đi lớp nên cũng khác với những bé đi trẻ rồi. Các mẹ tham khảo thêm và sắp xếp cho phù hợp nhé!

Ngoài ăn ngủ, thời gian còn lại là để cho bé vui chơi thỏa thích với đủ các hoạt động trong nhà và ngoài trời.

  • Hoạt động trong nhà: Chơi cầu trượt, xe bập bênh, vẽ tranh, đọc sách, ghép hình, tập quét lau nhà, chơi với các bạn đồ chơi, thú bông…
  • Hoạt động ngoài trời: Đá bóng, đi dạo ngắm cây cối, đường phố, cánh đồng, chơi cùng các bạn chó, mèo, gà…, đi siêu thị, công viên…

Bố mẹ và các thành viên trong gia đình nên dành nhiều thời gian vui chơi cùng bé cũng là cách để giúp bé học thêm nhiều điều và tăng gắn kết tình cảm, bé có thể xả năng lượng, cảm thấy vui vẻ thoải mái.. Từ đó việc ăn uống và giấc ngủ cũng được cải thiện hơn đó các mẹ ạ!