Biện pháp quan trọng bảo vệ rừng đặc dụng là gì

Quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng

Báo cáo quốc tế trong năm 2012 cho biết, Việt Nam có hệ thực vật vào loại đa dạng xếp thứ 20 thế giới, hệ động vật có vú đứng thứ 28 thế giới. Sự phong phú của các loài động, thực vật hoang dã điển hình đã đưa Việt Nam vào tốp 16 nước có đa dạng sinh học bậc nhất thế giới.

Trong đó hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam sở hữu 164 khu bảo tồn [30 vườn quốc gia và 134 khu bảo tồn thiên nhiên], với diện tích hơn 2,26 triệu ha, đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, đất ngập nước và trên biển. Việc bảo tồn, bảo vệ rừng đặc dụng là đóng góp tích cực của Việt Nam đối với việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học trên toàn cầu, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, bảo vệ rừng đặc dụng cũng đang trở thành mối lo chung của toàn xã hội nhất là khi rừng đang bị chính con người xâm hại. Thời gian qua, tại một số địa phương có rừng đặc dụng như Bắc Cạn, Thái Nguyên, Gia Lai, Kon Tum, Ðác Lắc, Ðác Nông, Cà Mau... tình trạng phá rừng đặc dụng đang diễn ra khá phổ biến, nhiều nơi rất nghiêm trọng. Diện tích rừng bị phá chủ yếu thuộc khu vực các doanh nghiệp được UBND tỉnh giao, cho thuê để khảo sát, hoặc đã phê duyệt các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; rừng của các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng do các nông, lâm trường bàn giao về cho UBND xã quản lý và rừng tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia còn nhiều gỗ tự nhiên có giá trị cao trên thị trường. Ngoài ra, cháy rừng cũng đang trở thành một trong các nguyên nhân chính dẫn đến diện tích rừng tự nhiên nói chung và rừng đặc dụng nói riêng ngày càng bị thu hẹp. Tính từ năm 2001 đến 2011, cả nước xảy ra gần tám nghìn vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 30 nghìn ha rừng; bình quân mỗi năm gây thiệt hại gần ba nghìn ha rừng. Diện tích thiệt hại do cháy rừng chủ yếu vào mùa hanh khô, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và Nam Trung Bộ. Thêm vào đó, do thiếu đất sản xuất, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương có rừng đặc dụng đã phá rừng, đốt rẫy để lấy đất trồng cây nông nghiệp và làm nhà ở. Trong khi các biện pháp chế tài của các cơ quan có trách nhiệm hiện vẫn chưa đủ mạnh để răn đe, đấu tranh với các đối tượng vi phạm, khiến cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.

Ðể bảo vệ, quản lý hiệu quả rừng đặc dụng, chúng ta đã có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng. Mới đây nhất, Chính phủ ra Quyết định về cơ chế chia sẻ lợi ích trong hệ thống rừng đặc dụng, nhằm tiến tới bảo vệ và phát triển bền vững lợi ích của hệ thống rừng này. Do đó, hơn lúc nào hết, việc bảo vệ bền vững rừng đặc dụng đang trở thành nhiệm vụ hết sức cấp bách. Do vậy, ngoài lực lượng kiểm lâm chuyên trách, rất cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và sự chung tay bảo vệ của cộng đồng.

VŨ THÀNH

Video liên quan

Chủ Đề