Bệnh viện tỉnh bình dương nằm ở đâu

Xác minh, xử lý vụ bệnh nhân tử vong sau khi bị 5 bệnh viện, phòng khám từ chối

[NLĐO] - Lãnh đạo tỉnh Bình Dương yêu cầu các bệnh viện, phòng khám liên quan báo cáo sự việc để xác minh, nếu có sai phạm sẽ xử nghiêm theo quy định pháp luật

  • Thanh Hóa cử thêm 100 y, bác sĩ vào Bình Dương và Đồng Nai chống dịch Covid-19

  • TP HCM gửi công văn hỏa tốc phản ứng việc Bình Dương dùng bê tông chắn Quốc lộ 1

  • 14 người về từ TP HCM, Bình Dương nhiễm SARS-CoV-2

  • Bình Dương kiến nghị có "cơ chế vắc-xin" cho doanh nghiệp

Trước đó, người nhà ông D. [57 tuổi, quê ở Trà Vinh, tạm trú tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương] phản ánh sau khi đi nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị từ chối, ông D.đãmất vào sáng 14-8.

Theo lời bà P., con gái của ông D., khoảng 20 giờ ngày 13-8, ông D. bị nôn, ói nên gia đình gọi xe cấp cứu nhưng không được nên người này sau đó được hàng xóm hỗ trợ chở đi cấp cứu. Điểm đầu tiên ông D. đến là Trung tâm y tế TP Dĩ An nhưng nơi này không nhận vì đang điều trị bệnh nhân Covid-19.

Sau đó bà P. tiếp tục đưa ông D. đến Phòng khám Ngọc Hồng nhưng nơi này cũng không nhận. Mọi người tiếp tục chuyển ông D. đến Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú và cuối cùng là Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh và cũng không một nơi nào tiếp nhận với lý do các bác sĩ đi chống dịch Covid-19 và không đủ trang thiết bị để cấp cứu.

Đáng nói, tại điểm đến thứ 2 là phòng khám Ngọc Hồng, trước khi cho ông D. và chị P. vào cấp cứu, nơi đây bắt buộc phải vào test Covid-19. Ông D. và chị P. phải trả 700 ngàn đồng để test nhanh. Sau đó, khi các nhân viên cho băng ca đưa ông D. vào trong, bác sĩ hỏi có bị bệnh gì trước kia hay không. Sau khi chị P. trình bày, bác sĩ không nhận và chỉ đi bệnh viện khác.

Đến khoảng gần 1 giờ sáng ngày 14-8, khi không nơi nào chịu nhận, mọi người đành phải cắn răng đưa ông D. về phòng trọ. Đến khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, ông D. trút hơi thở cuối cùng.

Chị P. và người thân lo đám tang cho ông D.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng khám tư nhân Nam Anh cho biết khoảng 1 giờ sáng ngày 14-8, có một người đàn ông khoảng 30- 40 tuổi đến gặp bảo vệ phòng khám và hỏi có nhận bệnh nhân không. Tại đây bảo vệ hỏi lại tình hình bệnh nhân thì người này trả lời bệnh nhân bị nôn, ói, liệt nửa người, đã đi 4,5 bệnh viện [trong đó có Bệnh viện Quân y 4] nhưng không nhận nên đến đây hỏi trước để chuyển bệnh nhân đến.

Sau đó bảo vệ trả lời là phòng khám vẫn đang cấp cứu và khám bệnh bình thường, đồng thời tư vấn nếu bệnh nhân nặng thì nên chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện tỉnh Bình Dương và bảo vệ này đã chỉ đường để người nhà đưa bệnh nhân đi.

Còn theo ông Lê Văn Thệ, Giám đốc phòng khám đa khoa Ngọc Hồng, khoảng hơn 10 giờ ngày 13-8, khi test nhanh Covid-19 xong, bác sĩ vô thăm khám thì phát hiện ông D. đã nằm bất động một chỗ, tình trạng khá nặng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có bệnh nền, huyết áp cao. Ở mức độ phòng khám không thể tiếp nhận nên hướng dẫn gia đình chuyển lên tuyến trên.

Cũng theo ông Thệ, hiện phòng khám này đã quá tải, ngoài việc thiếu nhân lực thì trang thiết bị cũng không đủ nên không thể tiếp nhận hỗ trợ bệnh nhân. Bệnh viện có hai xe cấp cứu nhưng đã dùng để chuyển bệnh nhân Covid-19 hết rồi.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Quân y 4 thì cho biết khi người nhà đưa ông D. đến, các bác sĩ vừa mới cấp cứu xong cho một ca F0 diễn biến rất nặng. Do đang chuẩn bị khử khuẩn vì mới cấp cứu F0 xong nên không thể tiếp nhận vì sợ lây nhiễm COVID-19 và đã hướng dẫn người nhà chuyển đi bệnh viện khác cấp cứu.

Ông Chiến cũng cho biết thêm hiện tại số ca F0 đang tăng cao, ngay cả bệnh viện liên hệ chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên cũng là một điều hết sức khó khăn.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa An Phú thì không xác định được bệnh nhân đó có đến bệnh viện cấp cứu hay không vì số người đến cấp cứu tại bệnh viện hàng ngày quá đông.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cường [chủ nhà trọ, người chuyển ông D. đi cấp cứu] xác nhận khi đến các bệnh viện đều chở thẳng vào cổng. Tại Phòng khám tư nhân Nam Anh thì chở thẳng vào trong bệnh viện và gặp một số người trong đó. Họ nói là không có bác sĩ trực.

Sau đó bảo vệ nói nặng thì chuyển lên tuyến trên. "Lúc đó, đã là 1 giờ sáng giờ rồi, trời thì mưa mà chở bằng xe tải nên tôi phải tìm tấm bạt che tạm cho ông D. Nghe thấy nói vậy, chúng tôi nản hết sức rồi không biết làm sao hết nên quyết định đi về", anh Cường nói.

Trước đó sau khi có thông tin nhiều bệnh viện, phòng khám từ chối tiếp nhận bệnh nhân, ngày 12-8, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải tiếp nhận cấp cứu các bệnh nhân.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nghiêm túc thực hiện đúng thời gian đã đăng ký hoạt động. Nếu cơ sở y tế nào không tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh vi phạm y đức, không tiếp nhận các bệnh nhân khi được chuyển đến để xảy ra trường hợp tử vong thì xử lý theo quy định, nếu cần thiết chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Bài-ảnh:THÀNH ĐỒNG

Video liên quan

Chủ Đề