Bài học rút ra Tư Cánh đồng bất tận

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 và là một nữ nhà văn trong Hội nhà văn Việt Nam. Chị đã viết nên những tác phẩm để đời và nhận được về nhiều giải thưởng xứng đáng. Thế nhưng, tận sâu trong lòng, chị luôn quan niệm rằng “Giải thưởng là thứ mà nhà văn phải quên đi. Bởi vì làm nhà văn chân chính phải không ngừng đổi mới, sáng tạo và không được phép hài lòng với những gì mình đang có. Xã hội ngày một phát triển hơn, nhịp sống, nhịp văn thơ cũng muôn hình vạn trạng, luôn luôn đổi mới, khác xưa. Cho nên, Nguyễn Ngọc Tư muốn luôn nhắc nhở bản thân mình rằng “Giải thưởng nào cũng là của ngày hôm qua. Ngày mai tôi là một kẻ tay trắng, nếu không viết thứ gì mới.”

Bài học rút ra Tư Cánh đồng bất tận
Tác Giả Nguyễn Ngọc Tư Một Cái Tên được Nhiều Người Yêu Thích


   Quay trở về với nội dung chính mà chúng tôi muốn đem lại cho bạn đọc ngày hôm nay, đó chính là viết về “Cánh đồng bất tận” – Tác phẩm để đời của chị Tư (Tôi xin phép gọi như thế!). Tác phẩm đã đi vào lòng người đọc một cách chân thực nhất, tự nhiên nhất dưới ngòi bút không cầu kì, không hoa mỹ của chị. Người đọc sẽ được dẫn dắt một cách tự nhiên theo mạch truyện, đọc tới đâu là hình thành những cảm xúc chân thực tới đó. Đọc xong mới cảm thấy sao thương xứ Nam mình quá chừng. Sao mà nơi đây lại có những mảnh đời, những câu chuyện tuyệt đẹp như thế…

Chị thường hay đưa các từ ngữ đậm chất Nam Bộ cùng những câu chuyện cũng “Nam Bộ” không kém vào trong tác phẩm của mình. Có thể nói rằng, số lượng từ ngữ địa phương xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm ấy, tuy hơi gây khó khăn cho việc dịch sách, xong độc giả cảm thấy có một cái gì đó vô cùng gần gũi, vô cùng xúc động và thân quen. Đã viết khá nhiều sách, xong nét chân quê mộc mạc vẫn được giữ lại nguyên vẹn.

Thêm một điều nữa, văn của Nguyễn Ngọc Tư lấy đi nước mắt người đọc rất nhiều. Bởi vì chị vẫn thiên về hình ảnh những giọt nước mắt khi sáng tác văn chương. Chúng để lại một điều khó phai trong lòng mọi người. Cảm xúc của chúng ta dành cho những mảnh đời khốn khổ, khi thấy họ khóc, họ đau đớn bao giờ cũng là thứ cảm xúc làm rung động lòng người nhất, đẹp đẽ nhất. Chả trách sao mà chị Tư viết truyện sầu bi, thảm thiết quá!

“Cánh Đồng Bất Tận” là tác phẩm văn học “gây ám ảnh” của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, đã giành được giải thưởng danh giá của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2007, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2008, và từng là chủ đề bàn luận sôi nổi, xôn xao, nhận được nhiều luồng dư luận khen chê trên các phương tiện truyền thông, các diễn đàn văn học trong nước và quốc tế.

Bài học rút ra Tư Cánh đồng bất tận
Cánh đồng Bất Tận Một Tác Phẩm Kinh điển Của Văn Học Việt Nam

Đặc trưng của Nguyễn Ngọc Tư là những câu chuyện “cực ngắn”, chỉ tầm vài trang nhưng đủ để gây ấn tượngkhiến tim bạn cồn cào mãi mỗi khi nghĩ về nó.

Mỗi mẩu chuyện trong 13 câu chuyện này chung quy đều viết về số phận bi đát của những tầng lớp bị đặt ngoài rìa xã hội, khao khát được sống đúng với từ “người”, được hòa nhập và yêu thương. Cuộc đời họ sinh ra gắn liền với những chuỗi bi kịch chẳng biết bao giờ kết thúc, không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải bước vào cái cuộc sống mà người ta ghê tởm, đau đớn nhất là họ cũng cảm thấy tự ghê tởm chính mình. 13 câu chuyện, là sự kết hợp giữa dữ dội và nhẹ nhàng. Nỗi đau âm ỉ, dai dẳng chiếm trọn tâm hồn. Cả 13 câu chuyện, không đảm bảo rằng chúng đều xuất sắc như nhau. Như quả thật có những câu chuyện đem lại cảm xúc cực mạnh, như một dấu ấn được chị Tư “đóng cái bụp” vào lòng độc giả đã tạo nên một tác phẩm “Cánh đồng bất tận” thật sự rất rất khó quên.

Thông tin về sách

  • Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
  •  Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
  •  Năm xuất bản: 2011
  •  Số trang: 214
  • Hình thức: Bìa mềm
  • Giá bán: 55.000đ (Có nơi giảm giá)

Nội dung chính của truyện kể về hoàn cảnh của hai chị em không được chăm sóc bởi bàn tay mẹ, phải sống với cha. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng tinh thần bởi sự rời bỏ của người vợ, người cha đó dường như trở nên vô cảm với cuộc sống của hai chị em. Ông mất hoàn toàn niềm tin vào những người phụ nữ. Vì thế hai chị em phải cùng nhau trải qua những ngày tháng cực kì khổ sở, chật vật. Như bị tách ra khỏi thế giới loài người, tâm tính của hai chị em dần đổi khác. Nhưng sau tất cả, họ vẫn khao khát một cuộc sống bình thường. Không chỉ vậy, cuốn sách còn mở ra những câu chuyện buồn có, dễ thương có của nhiều người khác…

“Tôi đành để cha đánh để ông bớt đau lòng. Sau nầy chị em tôi không day dứt chi cho mệt, vì hiểu thấu ra, mình bị đòn chỉ vì là con của má, vậy thôi.”

Đó có thể là cách tìm con “lạ lùng” của người đàn ông có con trai tên Cải. Ông đã tìm con ở mọi nơi nhưng đều trở về trong sự thất vọng tràn trề. Cuối cùng, ông quyết định bắt trộm trâu để bị bắt và đưa lên tivi, với nguyện ước nói một câu: “Cải ơi, ba nè, về đi con”

Đó lại là nỗi buồn những người con học tập thành danh rồi lại gắn chặt với sự phồn hoa, với những ánh đèn màu của thành phố mà không chịu ở lại giúp đỡ quê hương cô quạnh, buồn hiu..

Không chỉ vậy, chuyện tình buồn đến chết của anh Hết cũng sẽ làm người đọc phải rớt nước mắt. “Họ thương nhau từ lúc hai người mới hai ba, hai bốn tuổi. Thời đó, tuổi đó, người ta thương không nhìn gia cảnh, địa vị. Tuổi đó, người ta yêu không ngại ngần, không e dè, rào cản, họ để lòng tự nhiên như dòng chảy của sông.” Nhưng cuối cùng, người yêu anh cũng đã đi làm dâu nhà người ta, chỉ còn anh mãi bơ vơ bên bàn cờ… “Tôi thích những mối tình câm, tình thầm. Tôi tưởng tượng đó là những mối tình da diết, sâu sắc. Mãi mãi chẳng dám nói thật lòng, cho đến cuối đời, tình ấy vẫn bàng bạc, rập rờn, và mỗi khi có dịp (như đi qua chỗ ngồi cũ, con đường cũ, gương mặt cũ…), ta bỗng thấy nhói ran. Chắc là khó chịu lắm, khi yêu mà giả bộ không yêu, khi buồn cố diễn mặt vui, khi đau tình phải tỏ ra vô tình…”

“Những cánh đồng trở thành đô thị, những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát, những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hắt hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng. Tôi đã gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi. Và hình ảnh đó thật đến nỗi, tôi bất giác lùi lại vì một đứa đang nhìn trân trối vào mình, ngạo nghễ…”

“Điền có những ngày bối rối. Nó hay hỏi tôi, “người ta thương mẹ ra làm sao?”. Mặt nó dãn ra, khi biết cây kẹp tóc, trái dừa tươi hay con cá thác lác… mà nó dành cho chị cũng giống hệt như người ta vẫn thường cho mẹ. Và niềm nhớ lúc đi xa, nỗi khao khát được nằm gần, được dụi mũi mình vào da thịt người đó… cũng tự nhiên như ý nghĩ bình thường nhất của những đứa con. Nhưng những nghi hoặc vẫn loay hoay trong mắt Điền, và nó quyết định chịu đựng một mình, khám phá một mình. Thí dụ như đêm nay, cái gì khiến tim ta đau nhói, cái gì làm cho ta cảm thấy giận dữ, nặng nề?”

“Những chiều ghe chúng tôi đi ngang qua những người đàn bà ngồi giặt giũ dưới bến sông, tôi hay hỏi lòng, có phải tôi vừa ngang qua má đó không. Tôi cố giữ trong lòng hình ảnh má nhưng rồi ngày càng tuyệt vọng khi thấy nó nhạt nhòa dần, cứ nghĩ mai này gặp lại mà không nhận ra nhau, lòng nghe buồn thiệt buồn.”

“Lần đầu tiên hai chị em tôi lạc giữa đồng. Cơn mưa buổi xế chiều làm tắt rụi ánh mặt trời, và đêm tối nhanh chóng ập xuống. Mưa giăng bốn bề, những rặng vườn trở nên xa vời, mờ mịt, căn lều và chiếc ghe của mình nằm ở phía nào vậy ta, Điền hoang mang hỏi. Chúng tôi lội xom xom xuống một mé vườn và rã rời tuyệt vọng xua bầy vịt quay ra. Cha tôi đã bỏ về ghe từ giữa trưa, có thể cha đã uống rượu say và ngủ mất tiêu. Có thể cha còn thức nhưng cha không đi tìm. Khóc đã đời, một hồi, thấy trời ngày càng tối, chúng tôi quyết định buông trôi, tha thểu đi theo bầy vịt, biết đâu…”

  Tất cả điều đó đều được góp nhặt dưới cái nhìn của một cô gái. Chúng ta sẽ thấm thía thế nào là nỗi đau, là sự cô đơn, sự khốc liệt và tàn nhẫn của xã hội nông thôn lúc bấy giờ. 

Bài học rút ra Tư Cánh đồng bất tận
Cánh đồng Bất Tận Một Tác Phẩm Mang Giá Trị Nhân Văn


  214 trang sách – Là những tập hợp truyện buồn đến mức gây ám ảnh cho người đọc. Chắc hẳn ai đã từng đọc qua tác phẩm này, dù đọc từ rất lâu rồi nhưng vẫn còn ấn tượng với từng nhân vật, từng số phận trong đây. Tác phẩm gồm tất thảy 13 truyện, trong đó câu chuyện “làm mưa làm gió” chính là “Cánh đồng bất tận”, cũng được sử dụng để đặt tên cho cả cuốn sách. Chỉ nói về những thân phận người đàn ông, đàn bà bình thường, đồng thời phác họa nên khung cảnh ruộng đồng Nam Bộ đầy chân thực, sinh động, song “Cánh đồng bất tận” trở thành bước ngoặt lớn trong đời văn chị Tư. Ngôn từ vẫn theo phong cách Nam Bộ như trước đây nhưng câu chuyện được đúc kết ra bởi những gì tinh túy nhất, được cảm nhận bằng chính nhịp tim thổn thức của chị đã khiến biết bao người phải ngậm ngùi rơi nước mắt.

Mỗi câu chuyện trong “Cánh đồng bất tận” lại thể hiện một cấp độ nỗi đau khác nhau. Trong đó, cấp độ đau của câu chuyện cùng tên tựa đề lại đầy tuyệt vọng, khổ sở, âm ỉ. Cả một cánh đồng rộng dài như thế, chỉ có hoang vắng bao phủ, nỗi đau của con người chẳng thể giải tỏa, tiếng gào thét bật ra lại dội ngược trở lại khiến lòng càng đau quặn thắt hơn nữa. Truyện gây ám ảnh cũng bởi lẽ đó. Một nỗi đau không biết chia sẻ cùng ai, một nỗi đau thầm kín và bị hóa thành thinh lặng cứ từng ngày từng ngày tích tụ trong lòng.

Câu chuyện xảy ra đâu đó ở Sài thành phồn vinh náo nhiệt, hay có thể là ở những làng quê nghèo – nơi con người ta bươn chải vất vả từng ngày từng giờ, nhưng chủ yếu câu chuyện xảy ra theo dòng sông Di, dòng sông bị bỏ quên của những loạt kí sự sông Mê nổi tiếng một thời. Mỗi số phận tựa như dập dềnh, phiêu bạt theo dòng chảy của dòng sông – Vừa khắc họa hình ảnh miền quê sông nước, vừa nhân nỗi khổ sở lên gấp bội. 

Truyện chị Tư khiến cho người ta cảm thấy buồn lắm, nặng lòng lắm. Đọc một lần thì chắc nhớ cả đời. Những luồng dư luận trái chiều lúc đó cũng chỉ vì văn của chị bạo liệt quá, do chị tái hiện lại thực tế quá rõ nét hay do chị hư cấu tới mức người ta phải giật mình thảng thốt, thậm chí là hơi rùng mình. Tuy cuốn sách từ đầu chí cuối chỉ có nỗi buồn đeo bám, song càng đọc càng hiểu ra nhiều điều, càng đọc càng bị cuốn vào mạch sách, không thể thoát ra được.

Bài học rút ra Tư Cánh đồng bất tận
Cánh đồng Bất Tận Tác Phẩm Không Thể Bỏ Lỡ

Điểm cuốn hút người đọc qua những câu chuyện trong “Cánh đồng bất tận” còn bởi vì bức tranh thiên nhiên đậm màu sông nước, thôn quê và toát lên màu buồn hiu hắt. Đó là những thân phận bé nhỏ, những nỗi buồn riêng câm lặng, những tình thầm không bao giờ nói ra… Chỉ tập trung miêu tả mỗi vùng sông nước, mà nhà văn kể cho chúng ta nghe bao câu chuyện khốn khổ. Mỗi câu chuyện lại khổ theo một cách khác nhau. Cũng là mô-típ hai người yêu nhau nhưng không đến được với nhau, người con gái đi lấy chồng, rồi người con xa xứ không chịu trở về,.. thế mà chị Tư làm người đọc buồn “thúi ruột thúi gan”. Mô-típ quen mà cảm xúc vẫn mãi mới mẻ, mãi sâu sắc. Mô-típ quen nhưng dưới ngòi bút tài năng của cô Tư, câu chuyện vẫn đủ sức làm rúng động lòng người. Trời ơi, viết cảm nhận mà cũng buồn quá chừng nè!

Nỗi buồn ấy man mác, mênh mang, mà thấm thía, mà nặng lòng. Nó không dữ dội, ngùn ngụt, không bùng lên chốc lát rồi thôi ngay, bởi vậy mà nó cứ sâu hun hút, gặm nhấm tâm tư ta từ ngày này qua ngày khác, ăn mòn cả trái tim…

Từ “Cải ơi”, “Huệ lấy chồng”,.. cho đến tận “Cánh đồng bất tận”, chuyện nào cũng da diết sầu, làm người đọc thương cảm quá chừng. Công nhận chị Tư mình hay thiệt. Chị Tư chỉ giỏi lấy đi nước mắt của “thiên hạ”! Chị Tư khiến cho cả những người không cùng thân phận với nhân vật trong truyện mà cũng phải khóc, phải ngẫm, phải thấm. Đọc xong mà còn bần thần mãi. Thì ra trong cuộc đời này, vẫn còn nhiều kiếp người khổ sở, bi ai như vậy. Điều thành công của chị là chị miêu tả tình tiết, tâm lí nhân vật quá đỗi thật. Phải, viết văn mà bám vào chữ “thật” thì quá trời hay rồi. Vì câu chuyện thật quá, nên cảm xúc người đọc cũng thật theo. Giống như được đứng trước bối cảnh truyện mà chứng kiến tất cả về cuộc đời họ vậy, bảo sao chả khóc?

 Nói chung, đây là tác phẩm phải nhắc đến khi người ta nghe ba chữ “Nguyễn Ngọc Tư”. Các bạn có thể tìm mua và khám phá nhé, sẽ không hối tiếc đâu đấy. Trong xã hội với guồng quay công việc bận rộn, bon che, con người ta rất cần có một chiều cuối tuần rảnh rỗi để ngồi nhâm nhi chút cà phê đăng đắng, hưởng chút khí trong lành của trời, và bên cửa sổ, ngóng ra từng tia nắng, vừa chầm chậm lật giở từng trang sách. Đọc về đời, về người để thêm yêu cuộc sống, thêm lạc quan với hiện tại. Cuốn sách cũng đã được chuyển thể thành phim và độ nổi tiếng cũng không kém. Tuy nhiên, mình vẫn cứ thích việc đọc sách hơn, vừa rèn luyện một thói quen tốt, vừa cảm nhận được ngôn từ và phong cách thơ văn của chị Tư. Mình không phủ nhận phim dở, bộ phim rất thành công đấy. Nhưng trót yêu văn chương chị Tư rồi, “thèm” đọc, “thèm” khóc, “thèm” thấm thía cái nỗi “buồn ác chiến” của chị lắm lắm. Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ!

Nơi mua sách chính hãng, giá rẻ

• Ưu tiên số 1: Tiki, Link giảm giá sách này ở đây.
• Tiếp theo: Fahasha, Link giảm giá sách này ở đây.
• Tiếp theo: Lazada, link giảm giá sách này ở đây

1263 views