4 người chế tạo vũ khí giới thời xưa

Thứ Sáu, 13/06/2014, 07:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 12- 2013, xưởng chế tạo vũ khí Trần Táo, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) là nơi ghi dấu sự kiện ngành Quân giới Quảng Bình đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để sản xuất ra các loại vũ khí cung cấp cho bộ đội và dân quân, du kích thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Xưởng khí giới đầu tiên ở Quảng Bình

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Tỉnh ủy Quảng Bình họp khẩn cấp, phổ biến chỉ thị, lời kêu gọi của Trung ương và Hồ Chủ tịch, thành lập “Ủy ban chuẩn bị kháng chiến” sau đổi thành “Ủy ban kháng chiến”, triển khai những công trình xây dựng để chủ động phòng ngự, sẵn sàng chiến đấu. Nhân dân các địa phương đã huy động mọi nguồn lực, vật chất, đắp ụ, đào hào xây dựng công sự sẵn sàng đối phó với thực dân Pháp.

Đi đôi với việc triển khai các phương án tổ chức đánh địch, Uỷ ban kháng chiến chủ trương động viên nhân dân tự trang bị bằng các vũ khí thô sơ và các công cụ lao động để có thể sử dụng trong chiến đấu. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, xưởng quân khí đầu tiên đã được xây dựng ở làng Quy Hậu, xã Liên Thủy (Lệ Thủy), tăng cường trang thiết bị, bổ sung lực lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân đẩy mạnh sản xuất vũ khí  cung cấp cho bộ đội, dân quân, du kích.

Trong gần hai tháng đầu sản xuất, xưởng chế tạo được 200 quả lựu đạn, 30 cây đại lao, mác lào. Số vũ khí này được gửi đến các đơn vị tự vệ trong tỉnh. Tuy vũ khí thô sơ như giáo, mác, lựu đạn, bom và một ít súng trường nhưng ngày 19/12/1946, lực lượng tự vệ Tân Thanh (Tân Hóa), Tân Việt (Trung Hóa) phối hợp với Đại đội 6, bộ đội địa phương đánh đuổi thực dân Pháp ở đèo Mụ Dạ, Ba Na Phào, Lằng Khằng... đã giành thắng lợi.

Sau đó, xưởng quân khí được chuyển về xã Võ Ninh (Quảng Ninh). Tại đây, chiến sĩ Trần Táo là một trong những công nhân tham gia xây xựng xưởng từ những ngày đầu tiên đã hi sinh trong lúc điều chế thuốc nổ sản xuất vũ khí. Uỷ ban kháng chiến và Mặt trận Việt Minh đã tổ chức trọng thể tang lễ đồng chí Trần Táo. Hàng nghìn công nhân, lao động đã tỏ lòng thương tiếc người chiến sĩ dũng cảm và phát động phong trào học tập gương lao động dũng cảm của chiến sĩ Trần Táo. Tỉnh bộ “Việt Minh Cô Tám” đã đặt tên xưởng quân giới đầu tiên là “Xưởng quân khí Trần Táo”.

Thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, hàng ngàn công nhân, viên chức và nhân dân trong vùng đã gom góp tài sản cho kháng chiến, bỏ trống nhà cửa, chuyển gia đình lên xây dựng chiến khu với phương châm “tản cư cũng là kháng chiến”. Lúc này, công nhân xưởng Trần Táo cũng di chuyển máy móc, nguyên liệu từ Liên Thủy (Lệ Thủy) xuống Võ Ninh, Tân Ninh (Quảng Ninh), sau đó chuyển ra vùng căn cứ kháng chiến thôn Vĩnh Lợi, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) nay thuộc thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa).

Theo cuốn Lịch sử Quảng Bình (Nhà xuất bản chính trị - Hành chính) do TS. Nguyễn Khắc Thái biên soạn (tr.574) có đoạn viết: “Sau khi di chuyển ra vùng chiến khu Tuyên Hóa, xưởng sản xuất vũ khí Trần Táo được Uỷ ban kháng chiến tỉnh và Liên khu IV hỗ trợ đầu tư tăng cường thiết bị, bổ sung thêm lực lượng (số lượng lên tới 100 người), lại được nhân dân địa phương đùm bọc, che chở, bảo vệ nên có điều kiện để phát triển sản xuất, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang  Quảng Bình”.

4 người chế tạo vũ khí giới thời xưa
Cửa chính ra vào Di tích xưởng chế tạo vũ khí Trần Táo chỉ một lối nhỏ nhằm bảo đảm bí mật cho công nhân sản xuất.

Tại xưởng quân khí Trần Táo, hầu hết công nhân trong cơ xưởng là công nhân rèn, tiện, đúc cũ của xưởng từ Lệ Thủy chuyển ra và được bổ sung thêm nhân công chuyển từ ga xe hỏa Thuận Lý. Ngoài 60 công nhân có tay nghề, xí nghiệp còn tuyển mộ thêm một số lao động khai thác nguồn nguyên liệu, mở rộng xưởng cơ khí, chuyên môn sản xuất lựu đạn, bom mìn và sửa chữa vũ khí các loại để cung cấp cho các đơn vị chiến đấu.

Theo ông Cao Huy (84 tuổi), từng là Trưởng dân quân của xưởng sản xuất vũ khí Trần Táo, nay ở thôn Đồng Phú (Đồng Hóa) cho biết: “Để bảo đảm bí mật, xưởng sản xuất vũ khí Trần Táo di chuyển nhiều nơi nhưng nơi ổn định và an toàn nhất là thôn Vĩnh Lợi, Thuận Hóa, nay là Đồng Phú, Đồng Hóa (Tuyên Hóa). Các công nhân làm việc luôn có ý thức giữ gìn bí mật, phòng gian, quân sự hóa lề lối làm việc và sinh hoạt ở công xưởng cũng như lán trại. Nhân dân địa phương đã giúp công nhân xưởng xây dựng các nhà hầm để che đậy, bảo vệ an toàn máy móc, thiết bị. Để phục vụ kháng chiến, công nhân làm ngày, làm đêm, không quản ngại gian khó chỉ mong quân và dân ta giành được độc lập dân tộc”.

Đây là đơn vị được Cục quân khí đánh giá cao trong thời kỳ đầu kháng chiến, có thể coi đây là cơ sở công nghiệp quốc phòng đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Từ sau năm 1947, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, xưởng đã thu nhận thêm nhân công lên đến 100 người. Mặc dù thiết bị máy móc cho sản xuất còn đơn giản và thiếu thốn nhưng để tăng số lượng vũ khí, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, công nhân thay nhau làm cả ngày lẫn đêm, sản xuất được nhiều vũ khí. Những quả bom, mìn, những trái lựu đạn thô sơ do xưởng chế tạo đã kịp thời cung cấp cho du kích và bộ đội đánh Pháp.

Ghi dấu những chiến công

Những địa điểm như làng Quy Hậu (Lệ Thủy), chùa Võ Xá (Quảng Ninh) và đặc biệt là làng Vĩnh Lợi (Thuận Hóa, Tuyên Hóa) nay là thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) là những nơi ghi dấu sự kiện ngành quân giới Quảng Bình vượt qua mọi khó khăn gian khổ để sản xuất và cung cấp vũ khí cho bộ đội và dân quân du kích thời kỳ đầu kháng chiến. Tại thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa, xưởng chế tạo vũ khí Trần Táo đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 12 năm 2013. Những vũ khí thô sơ do xưởng sản xuất đã giúp quân và dân ta đánh thắng được kẻ thù xâm lược, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đầu năm 1947, Bộ chỉ huy Pháp mở nhiều cuộc tiến công lấn chiếm ở miền Trung và miền Bắc nước ta. Ở Quảng Bình, thực dân Pháp tập trung đánh chiếm các cửa biển, của sông, các trục đường giao thông quan trọng. Nhiều trận đánh tiêu biểu mà lực lượng của ta đã dùng vũ khí của xưởng chế tạo vũ khí Trần Táo sản xuất như trận đánh làng Hòa Duyệt (Bố Trạch).

Ngày 25-5-1947, thực dân Pháp đem 2 máy bay bay từ Đồng Hới ra thả bom ở Hoàn Lão. Pháo binh của địch từ Hoàn Lão bắn lên Hòa Duyệt. Cả làng Hòa Duyệt chìm trong khói lửa bom đạn. Tại đây, với lối đánh du kích bí mật, bất ngờ, dân quân du kích và nhân dân Hòa Duyệt đã dũng cảm chiến đấu, bẻ gãy các mũi tấn công của địch, làm cho chúng hoang mang, lúng túng chạy tán loạn. Trận đánh ở Hòa Duyệt là trận chống càn đầu tiên mà quân và dân Bố Trạch chỉ dùng giáo mác và các vũ khí thô sơ do xưởng Trần Táo chế tạo để chống giặc càn quét. Chiến thắng này đã động viên khí thế, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của toàn dân để bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, đầy gian khổ của cả dân tộc.

Ngày 4-7-1948, du kích và dân quân làng Hỷ Duyệt (Hải Trạch, Bố Trạch) phối hợp với Tiểu đoàn 346 tập kích bọn địch đi lùng sục ở Lòi Pheo. Trận đánh diễn ra giữa ban ngày nhưng bằng cách đánh vận động chiến, du kích và bộ đội đã đánh và tiêu diệt được 13 tên địch, trong đó có 11 tên lính Pháp.
Ngày 18-7-1949, du kích xã Gia Ninh (Quảng Ninh) chỉ bằng một quả mìn đã đánh lật nhào 1 xe vận tải của địch, diệt gọn 1 tổ lính cùng đi. Ở đồn Trần Xá, 2 lính pháo và 2 lính khố đỏ vừa ra khỏi đồn đã bị giật bom, cả 4 tên đều bị bắt gọn...

Còn rất nhiều trận đánh tiêu biểu khác mà quân dân Quảng Bình đã dùng các loại vũ khí thô sơ do xưởng chế tạo vũ khí Trần Táo sản xuất để chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù, như trận đánh ngày 21-4-1953, nhân dân xã Duy Ninh đã dùng bom tiêu diệt 24 tên địch; ngày 23-12-1953, du kích Động Sỏi giật mìn phá hủy một xe quân sự, tiêu diệt 10 tên địch, thu 1 súng tiểu liên AK...

Trong 8 năm kháng chiến (1946-1953), quân dân Quảng Bình đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, đã đánh hơn 6000 trận đánh lớn nhỏ, diệt và bắt 10.000 tên địch, thu gần 100 súng các loại. Giành được những thắng lợi đó, ngoài sự lãnh đạo của Đảng, sự anh dũng hi sinh của các chiến sĩ, dân quân trong tỉnh, chúng ta không thể không nói đến những đóng góp cực kỳ to lớn của những vũ khí thô sơ như mã tấu, mác lào, lựu đạn, bom mìn do xưởng chế tạo vũ khí Trần Táo sản xuất.

Hiện nay, di tích lịch sử xưởng chế tạo vũ khí nằm tại hang lèn Đồng Chánh, thuộc hang núi thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa). Toàn bộ khuôn viên rộng 2.500 m2. Trong hang gồm 2 phần, hang thấp và hang cao. Hang có 4 cửa, 1 cửa chính và 3 cửa phụ thông ra ngoài. Nền hang bên thấp có chiều dài 20m, chiều rộng 10m. Vòm trần của hang cao 6m.

Ông Cao Xuân Bình, Bí thư Đảng bộ xã Đồng Hóa cho biết: Di tích xưởng chế tạo vũ khí Trần Táo có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, di tích cần được tôn tạo và bảo vệ. Thông qua đó để giáo dục cho người dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống, văn hóa của thế hệ cha ông trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, cùng nhau thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh và xây dựng quê hương giàu mạnh.

Thanh Hoa

4 người chế tạo vũ khí giới thời xưa
Củ Chi tổ chức Đại hội liên hoan Dũng sĩ diệt Mỹ lần thứ nhất, năm 1966. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Trong cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân Việt Nam có nhiều sáng tạo góp phần bảo vệ lực lượng ta, chiến đấu và giành thắng lợi.

Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng

Thời kỳ đầu hoạt động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ ta phải giữ bí mật tuyệt đối, tránh để địch phát hiện, khẩu hiệu nêu phương châm hoạt động tất cả phải thực hiện “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” được thực hiện rất cụ thể cho từng trường hợp.

Đi không dấu là việc rất khó. Nếu chỉ một vài người đi thì dấu vết hằn trên mặt đất không nhiều, đi khéo léo thì địch không phát hiện được. Nếu cả đoàn nhiều người đi thì phải có bộ phận ở sau xóa dấu vết, khi đi qua những chỗ như vạt cỏ, đường đất thì dùng ni lông lót đường để không lưu lại cỏ bị giẫm đạp, không để lại dấu dép. Có trường hợp phải lấy nước rửa chỗ bùn sình do dép làm dính mặt đất. Đi không dấu còn phải giữ bí mật cả chỗ căng võng; thường phải lót miếng nylon bên trong tránh làm cho cây có dấu siết của dây dù căng vào thân cây. Tất cả những thứ ta sử dụng đều phải chôn giấu, kể cả việc đi đại tiện.

Căn cứ ở trong rừng, người ra vào phải hạn chế nhưng vẫn phải đi nhiều lần nhiều ngày sẽ nổi rõ con đường mòn là địch sẽ phát hiện ngay. Ta phải khắc phục bằng cách kê những khúc cây để khi đi bước chân lên đómà không đưa chân xuống mặt đất, có đoạn dài cả trăm mét, khi địch càn ta thu các khúc cây cất đi và xóa dấu vết. Chung quanh căn cứ ta thường làm dấu như cây ngã tự nhiên ở rừng. Lúc cần ta sẽ gài trái (mìn) để ngăn chặn địch.

Đi không dấu không phải ai cũng ý thức thực hiện thật tốt, khi Mỹ vào địch “xúc” dân ra vùng chúng kiểm soát vùng căn cứ không còn dân chỉ còn lực lượng du kích, các cơ quan trú đóng, ăn ở sinh hoạt phải bí mật, ta thường đào hầm ở các bụi tre ở phân tán lực lượng vài ba người một địa điểm.

Nơi cơ quan trú đóng thì đào lò Hoàng Cầm để không bốc khói lên trên cao mà bị máy bay địch phát hiện. Nơi đi qua một lần thì khi nấu phải tránh củi tươi để hạn chế khói và canh máy bay, có nơi phải chờ chiều tối mới nhóm lửa, không tránh khỏi gặp trường hợp nồi cơm đang sôi phải tắt lửa để máy bay địch không phát hiện.

Khi hành quân phải giữ im lặng tuyệt đối, người đi trước ra dấu người đi sau bằng động tác đã quy ước để họ nhận biết thực hiện. Đôi lúc cũng xảy ra “sự cố” do người đi sau hiểu sai ám hiệu của người đi trước.

Sáng tạo vũ khí đánh giặc

Cuộc chiến tranh nhân dân của ta nảy sinh nhiều sáng tạo độc đáo.

Hầm chông, hố đinh: Đây là vũ khí thô sơ bất cứ người dân nào cũng làm được để đánh giặc.

Hầm chông thì đào sâu chừng quá ngực tới cần cổ, bề rộng chừng 8 tấc, bề dài chừng 1,2 m, bên dưới đặt một bàn nhiều cây chông bằng tre vót nhọn hoặc bằng sắt có ngạnh. Vị trí đào hầm chông được chọn nơi địch sẽ đi qua hoặc sẽ vào chỗ đó như nơi treo kẻng, khẩu hiệu… Khi địch càn, ta ngụy trang mặt hầm như đất thường, thế là chúng lọt xuống hầm những cây chông đâm vào chân vào háng nhất là gặp chông sắc có ngạnh địch không cách nào cưa được phải khiêng cả người cùng cái bàn chông đi đến nơi có điều kiện để cưa cây chông. Chỉ vài trường hợp như vậy, địch không dám càn tiếp mà phải rút lui.

Hố đinh là hố có những cây đinh dài hơn một tấc, được gắn vào miếng gỗ lớn hơn bàn chân, hố đặt bàn đinh này chỉ sâu tới quá đầu gối được đào và đặt nơi địch sẽ đi qua. Khi chúng đi sẽ sụp chân xuống hố các cây đinh đâm vào bàn chân, bị thương không thể đi tiếp được nên cũng lui quân.

Thời mới đồng khởi ở Bến Tre, ta dùng ong vò vẽ đánh giặc bọn ngụy rất sợ. Tổ ong vò vẽ khối cầu vỏ khá chắc vì chúng làm bằng vỏ cây pha với phân bò, có hai cửa ra vào, ta chờ trời tối lấy giấy dán cửa miệng rồi lấy vải bọc lại dời chúng đến đặt ở địa điểm bố trí đánh địch thì mở cửa cho nó hoạt động bình thường. Khi địch vào tới gần ta kéo dây cột làm tổ ong vỡ bay ra đuổi đốt bọn lính chạy trối chết. Thế là cuộc càn quét địch phải chuyển hướng đi hoặc rút lui để “bảo toàn lực lượng”.

Ở một số nơi, người dân, du kích đánh địch bằng nhiều cách rất sáng tạo. Chẳng hạn, ta dùng tên ná được tẩm thuốc độc, chờ địch đến gần ta núp trong bụi chờ địch đi tới nhắm bắn vào tên chỉ huy là ngăn cả cuộc “hành quân”. Có khi ta lợi dụng nơi con đường hẹp hai bên là vách núi, địch phải đi qua bố trí những tảng đá to trên cao, khi địch tới ta đẩy cho đá lăn xuống... Thế là ta bẻ gãy cuộc càn của chúng không cần một viên đạn.

Có nơi du kích tự chế vũ khí thô sơ bằng cách làm một quả cầu gắn vào rất nhiều mũi cây nhọn chỉa ra tứ phía có sợi dây để kéo lên xuống bố trí trên trục đường giặc sẽ đi qua điều khiển cho quả cầu này lao xuống ngay đầu bọn lính đang đi trên đường. Có trường hợp quả cầu lao trúng ngay bọn đi đầu, thế là chúng chạy thụt mạng.

Ở Bến Tre, du kích có sáng kiến dùng cây chôn xuống đất thành hình chữ X rồi cột vào hai đầu phía trên chữ X dây thun làm bằng ruột bánh xe hơi cách như ná giàn thun khổng lồ. Phải hai người kéo khi bắn mới đi được xa. Địch vào đúng tầm, lựu đạn “nả” vào chúng liên tiếp, địch lớp chết lớp bị thương mà không biết Việt Cộng từ đâu ném lựu đạn tới.

Lấy vũ khí địch diệt địch

Khi Mỹ vào, bom đạn nhiều, chúng bỏ bom bừa bãi, có những quả bom to không nổ, ta thu cưa lấy thuốc nổ sản xuất mìn để đánh xe tăng, xe cơ giới của địch khi chúng càn vào vùng giải phóng. Mìn được ta chế tạo từ trái bom bi làm ngòi và khối thuốc nổ bao bên ngoài theo kiểu mìn gạt, ở hạt nổ có chỗ gắn cái cây vào sau khi đem chôn trên đường xe tăng chạy qua vướn cái cây bật hạt nổ làm nổ cả trái mìn. Đây là cách đánh Mỹ dễ nhất, chỉ cần người gan dạ là đánh được. Với cách đánh này du kích Củ Chi nhiều người được phong chiến sĩ diệt cơ giới các cấp.

Đại hội dũng sĩ Củ Chi đã từng tổng kết rút ra 10 kinh nghiệm đánh Mỹ khá tài tình, ai cũng đánh Mỹ được cả. Đó là: 1. Ai ai cũng đánh được. 2. Vũ khí gì cũng đánh được. 3. Nhiều cũng đánh, ít cũng đánh, một người cũng đánh, một tổ cũng đánh và đều đánh thắng Mỹ. 4. Ở đâu cũng đánh được Mỹ, chỉ cần tích cực bám địch tìm địch mà đánh là được. 5. Ngày cũng đánh, đêm cũng đánh được Mỹ. 6. Địch phản công cũng là cơ hội tốt để ta diệt chúng. 7. Đánh cả ở tiền tuyến, đánh cả ở hậu phương địch, đánh đều khắp, làm cho địch bối rối, bị động thì càng đánh dễ dàng hơn. 8. Đánh ở trong xã, ấp chiến lược và cả ở ngoài xã, ấp chiến đấu, chỉ cần nêu cao quyết tâm tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt. 9. Du kích có khả năng đánh thắng tất cả mọi binh chủng của Mỹ. 10. Đánh cả bằng vũ khí, chính trị, binh vận làm cho địch tan rã nhanh chóng.

Nguyễn Hải Phú

Tin liên quan